Trang chủ Ngữ văn Lớp 9 phân tích bài thơ sang thu khổ 1,2 (2,3) cho em với ạ câu hỏi 7053958
Câu hỏi :

phân tích bài thơ sang thu khổ 1,2 (2,3) cho em với ạ 

Lời giải 1 :

Mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp, một hương sắc rất riêng. Và vẻ đẹp ấy, hương sắc ấy đã được nhà thơ Hữu Thỉnh bắt gặp. Ông đã cảm nhận được hơi thở của đất trời khi chuyển mình sang thu. Sự chuyển mình của mùa thu được nhà thơ thế hiện rõ ràng trong hai khổ thơ đầu:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Nhà thơ chợt nhận thấy thu về qua mùi hương ổi. Đó là một mùi hương đặc trưng, mùi hương nhè nhẹ, thoang thoảng nhưng lại làm thức tỉnh lòng người. Nhà thơ bắt gặp mùi hương ấy một cách rất tình cờ và rồi lại nhận thấy nó rõ ràng hơn trong làn gió thu se se lạnh. Động từ phả gợi cho ta cảm giác chỉ nhẹ thôi, nhưng lại rõ rệt, nó không mạnh mẽ nhưng lại đủ làm cho người đọc cảm giác đắm chìm trong đất trời mùa thu. Cùng với những làn gió thu nhè nhẹ, se se, từng màn sương chùng chình qua ngõ. Sương thu giăng đầy ngõ, di chuyển đủng đỉnh, chậm chạp. Từ láy chùng chình đã diễn tả cảm nhận đó của nhà thơ. Màn sương thu đã tạo cho nhà thơ cảm giác mờ ảo, thiên nhiên lúc này trở nên huyền bí. Với hương ổi trong vườn, làn gió se lạnh và làn sương chùng chình, nhà thơ như đã phần nào cảm nhận được hương sắc mùa thu. Tuy nhiên, cảm nhận ấy lại không chắc chắn, khiến nhà thơ đưa ra nhận định: Hình như thu đã về. Hình như là sự băn khoăn của nhà thơ. Và sự băn khoăn ấy lại được nhà thơ giải đáp trong khổ thơ thứ hai của bài thơ:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

Rõ ràng mùa thu đã đến. Sắc thu không chỉ len lỏi trong mùi hương ổi, làn gió, màn sương mà lúc này nó bao trùm lên toàn cảnh vật. Nếu như khổ thơ đầu chỉ là sự suy đoán thì khổ thơ thứ hai lại là sự chắc chắn của tác giả.

Một loạt hình ảnh được tác giả nhân hoá làm thu sang rõ ràng bơn. Đó là một bức tranh thu trong sáng vô cùng. Những cảnh vật được nhà thơ lựa chọn để miêu tả đất trời vào thu đều đang ở trong trạng thái ngập ngừng nhưng đầy chủ động. Dòng sông dềnh dàng, đàn chim vội vã, đám mây mùa hạ đang vắt mình sang thu. Đây đều là những hình ảnh đặc sắc, không chỉ hiện lên ở hiện tại mà còn đem người đọc trở về với quá khứ mùa hạ. Dòng sông không còn dữ dội như mùa hạ mà trở nên dềnh dàng, chim vội vã để tránh gió thu se lạnh. Đặc biệt hơn, nhà thơ sử dụng động từ vắt với đám mây. Dường như đám mây ấy vẫn còn lưu luyến với mùa hạ nhưng lại phải tuân theo sự tự nhiên của đất trời bước sang thu. Dòng sông lững lờ, khoan thai trôi, đúng như sự êm ả, nhẹ nhàng của mùa thu. Tất cả những cảnh vật thiên nhiên ấy gợi cho chúng ta một điều: Mùa thu đã đến thật rồi! Thu sang được cảm nhận bằng tâm hồn thi sĩ thật mơ mộng. Cái hình ảnh về những sự vật ấy được nhà thơ nhân hoá vận động nhịp nhàng theo sự chuyển mùa hợp lí qua cảm nhận hết sức tinh tế của nhà thơ.

Sang thu của Hữu Thỉnh làm ta chợt nhận ra hương ổi, làn gió, màn sương thu hay dòng sông, đám mây... những sự việc gần gũi, thân quen làm nên đường nét rất riêng của mùa thu Việt Nam. Không chỉ riêng nhà thơ, mà mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được mùa thu ấy - một mùa thu êm ả, lắng đọng, ấm áp.

Lời giải 2 :

` 1. ` Khổ thơ đầu: Niềm bâng khuâng, xao xuyến đến ngỡ ngàng, thảng thốt của nhà thơ khi nhận ra thu sang: 

"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về" 

- Từ "bỗng" diễn tả được cảm giác thật đột ngột, thật bất ngờ của nhà thơ khi chợt nhận ra hương ổi chín phả vào trong làn gió se lạnh, làn gió báo hiệu thu sang. 

- Hương ổi chín là một hình ảnh bình dị, rất đỗi thân quen ở làng quê miền Bắc vào mùa thu nhưng lại là một hình ảnh mới lạ trong thơ thu. Nhiều nhà thơ khác khi viết về mùa thu thường chọn hương cốm, hương hoa sữa: 

"Hà Nội mùa này hoa sữa

Thơm ngát bên đường Nguyễn Du"

Hay nhạc sĩ Hồng Đăng cũng từng viết: 

"Hoa sữa vẫn ngọt ngào đường phố đêm đêm" 

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng viết rằng: 

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới" 

- Với hình ảnh hương ổi chín, Hữu Thỉnh đã gợi nên được một nét thu vừa quen thuộc, vừa mới lạ, một nét thu thật ngọt ngào, quyến rũ, một nét thu mang đậm hồn quê Việt Nam. 

- Hương ổi chín vương quyện trong làn gió se lạnh, gợi lên trong lòng nhà thơ một nỗi xao xuyến thật ngọt ngào. Hương ổi chín không phải thoang thoảng bay xa mà nó phả vào trong làn gió, ướp hương cho làn gió. 

- Từ "phả" là một từ dùng rất chính xác của nhà thơ, gợi tả được cái cảm giác rất thực của thi sĩ khi được cảm nhận mùi hương ổi chín. Nhà thơ đã cảm nhận mùi hương chín không chỉ bằng khứu giác mà còn bằng cả trái tim mình. 

- Không chỉ nhận ra thu sang bởi hương ổi chín và làn gió se lạnh, nhà thơ còn nhận ra thu sang bởi một tín hiệu khác: 

"Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về" 

- Sương là một hình ảnh quen thuộc trong thơ về mùa thu. Các thi nhân xưa, đặc biệt là các nhà Trung Quốc thường mượn hình ảnh sương để gợi tả cái lạnh lẽo của đất trời, nỗi cô đơn của lòng người, còn Hữu Thỉnh lại cảm giác làn sương trong trạng thái hoạt động đáng yêu: 

"Sương chùng chình qua ngõ"

- Nghệ thuật nhân hóa cùng với từ láy "chùng chình" đã gợi tả được sự chuyển động nhẹ nhàng, chậm chạp của làn sương. Không chỉ thế, nhà thơ còn gợi tả được sự quyến luyến, vương vấn như nuối tiếc, như nấn ná, như muốn chờ đợi, như chưa muốn vội đi mau của làn sương. Dường như làn sương ấy sang thu mà vẫn còn nuối tiếc với mùa hạ. Dưới cái nhìn tinh tế, đầy trìu mến của Hữu Thỉnh, làn sương bỗng trở nên thật có hồn. 

- Dù đã nhận ra thu sang bởi hương ổi chín, bởi làn gió se lạnh, bởi sương chùng chình nhưng nhà thơ vẫn thốt lên "Hình như thu đã về"

- Tình thái từ "hình thư" đã diễn tả được cái cảm giác ngỡ ngàng đến thảng thốt của nhà thơ khi thu sang. Thu đã đến thật rồi!

` 2. ` Khổ thơ giữa: Niềm say mê rạo rực của nhà thơ trước vẻ đẹp của đất trời lúc thu sang: 

- Lúc thu sang, đất trời thiên nhiên có nhiều biến chuyển: 

"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã"

- Thu sang, những dòn sông bắt đầu chảy chậm lại, bắt đầu trôi, dòng sông trôi êm đềm, thư thái chứ không sôi trào như dòng sông mùa hạ. Trên trời cao, từng đàn chim vội vã bay đi tránh rét. 

- Hình ảnh dòng sông êm đềm, hình ảnh đàn chim bay đi tránh rét là những hình ảnh hết sức quen thuộc trong thơ mùa thu. Cái mới lạ của Hữu Thỉnh là đã miêu tả những nét cảnh ấy trong sự đối lập nhau để làn nổi bật bức tranh thu yên ả, thanh bình. 

- Với hình ảnh dòng sông và đàn chim bay trên bầu trời, không gian của mùa thu đã được mở rộng. Không gian ấy không chỉ dừng lại ở một vườn cây ngõ nhỏ mà đã được mở rộng bao la hơn với chiều dài của dòng sông, với cái cao vời vợi, mênh man của bầu trời. 

- Trên bầu trời cao bỗng xuất hiện đám mây đặc biệt: có đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu. 

- Hình ảnh những đám mây trắng trôi bồng bềnh trên bầu trời mùa thu là hình ảnh hết sức quen thuộc trong những thi phẩm viết về mùa thu. Nguyễn Khuyến từng viết: 

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngát"

- Như một đám mây mùa hạ có thể vắt từ hạ sag thu thì chỉ có trong thơ Hữu Thỉnh, đây thực sự là một hình ảnh thơ độc đáo. 

- Từ "vắt" là một từ dùng đắt giá giàu sức biểu cảm. Nó không chỉ gợi tả được hình ảnh đám mây mềm mại, duyên dáng, uyển chuyển mà còn gợi tả được sự vương vấn, lưu luyến của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa đang còn mùa hạ mà đã muốn sang thu, đã sang thu rồi mà vẫn còn nuối tiếc mùa hạ. Hình ảnh đám mây thật có hồn, thật hữu tình dưới cái nhìn tinh tế của Hữu Thỉnh. Thi nhân đã cảm nhận được sự thay đổi của thiên nhiên đất trời bằng cả niềm say mê và bằng cả trái tim. 

` 3. ` Khổ thơ cuối: Suy ngẫm mang tính triết lý về cuộc đời con người của nhà thơ:

- Sang thu, đất trời thiên nhiên có nhiều biến đổi: 

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi". 

- Bước sang mùa thu, nắng vẫn còn nhưng đã bắt đầu dịu lại chứ không còn gay gắt, chói chang như mùa hạ. Mưa vẫn còn nhưng đã bớt ào ạt, dữ dội, sấm ít hơn nên những hàng cây đứng tuổi vốn đã trải qua nhiều mùa mưa bão không còn cảm thấy bất ngờ khi nghe tiếng sấm.

- Kết cấu song hành đối xứng: "vẫn còn - đã vơi"; "nắng - mưa" đã gợi tả được cái vấn vương, cảnh sắc thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Hữu Thỉnh bằng sự tinh tế của mình đã nắm bắt được nét tinh tế của thiên nhiên lúc giao mùa. 

- Sấm là một ẩn dụ để chỉ những biến động của cuộc đời, còn hàng cây đứng tuổi lại là biểu tượng để chỉ những con người đã bước sang tuổi trung niên. Khi bước sang tuổi trung niên, khi đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong cuộc đời, con người ta sẽ trở nên từng trải hơn, sẽ trở nên chín chắn hơn và trở nên bình tĩnh, vững vàng hơn trước những biến động cuộc đời. Đó là sự bản lĩnh của con người đã được tôi rèn. 

- Hữu Thỉnh đã từng là một người lính, đã từng đi qua bom đạn chiến tranh nên thơ của ông đã tỏ ra sự chiêm nghiệm sâu sắc. 

Bạn có biết?

Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!

Nguồn :

TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự lớp 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, chúng ta sắp phải bước vào một kỳ thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô. Áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh và tương lai lên cấp 3 thật là lớn, nhưng hãy tin vào bản thân và giữ vững sự tự tin!

Nguồn :

sưu tập

Copyright © 2024 Giai BT SGK