Trang chủ Ngữ văn Lớp 9 Trong truyện ngăn Làng của Kim Lân, nhân vật ông Hai sau những phút giây đau đớn, khổ sở vì...
Câu hỏi :

Trong truyện ngăn Làng của Kim Lân, nhân vật ông Hai sau những phút giây đau đớn, khổ sở vì tin làng theo giặc đã đi đến quyết định:

"Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù" (Trích Làng, Kim Lân, SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.169)

Hãy phân tích nhân vật này để làm rõ sự khó khăn và tính đúng dân trong lựa chọn trên của ông.

Lời giải 1 :

Nhà văn Kim Lân là một người rất am hiểu về cuộc sống của người nông dân ở miền Bắc Việt Nam. Truyện ngắn "Làng" của ông được sáng tác vào thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân vật chính là ông Hai người làng chợ Dầu. Tác giả đã miêu tả rất thành công diễn biến tâm trạng của ông khi nghe tin đồn làng ông theo giặc qua đó đã ca ngợi tinh thần yêu nước của ông nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Ấn tượng đầu tiên mà ông Hai để lại cho người đọc chính là cái tính khoe làng của ông. Dường như hình ảnh ngôi làng luôn thường trực trong tâm trí của lão nông ấy để khi nói về nơi nuôi dưỡng mình, chốn quê thân thuộc "hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động". Đặc biệt, ông Hai khoe làng một cách nhiệt thành. Ông không cần người khác phải chú ý lắng nghe, cũng không quan tâm họ có nghe hay không, ông chỉ nói để thỏa niềm tự hào, nỗi nhớ da diết của mình đối với làng. Rồi qua từng thời kì khác nhau, lời kể, lời khoe của ông cũng thay đổi. Duy chỉ có tình yêu làng của ông vẫn thế, cứ mãi vẹn nguyên, vẹn toàn, không hề đổi thay và cũng chẳng hề lay chuyển.

Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông Hai muốn ở lại làng để tham gia kháng chiến nhưng vì hoàn cảnh gia đình buộc ông phải rời làng đi tản cư, lòng ông luôn day dứt nỗi nhớ làng. Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống có ý nghĩa: là một nông dân suốt đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, nếp nhà, thửa ruộng và biết bao nhiêu người ruột thịt, xóm giềng. Vậy mà vì giặc ngoại xâm, ông phải rời xa quê hương đi tản cư, sống nhờ nơi đất khách. Do đó, lòng ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Ban ngày lo sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng buổi tối lại sang hàng xóm giãi bày nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ của ông đều bắt nguồn từ những kỉ niệm trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù cái làng mà ông rất mực tin yêu đã theo giặc, dù cho làng đã phản bội ông đến mức ông phải thù làng thế nhưng khi nói chuyện với con ông vẫn hỏi: "Thế nhà con ở đâu? Thế con có thích về làng chợ Dầu không?". Câu hỏi có vẻ ngô nghê mà ông biết trước được câu trả lời của con nhưng dường như ông vẫn muốn nghe. Hỏi con như vậy là ông vẫn muốn con nhớ về cội nguồn, gốc gác của mình, muốn con hiểu rằng Chợ Dầu chính là quê hương của con, là nơi con được sinh ra và lớn lên, được yêu thương và che chở.

Với lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo kết hợp hài hòa ngôn ngữ độc thoại, đối thoại, tác phẩm đã khắc họa hình tượng nhân vật ông Hai tiêu biểu cho tầng lớp nông dân thời kì kháng chiến chống Pháp. Qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm nói chung và trong cuộc trò chuyện với thằng cu Húc nói riêng, tác giả muốn biểu đạt một cách thấm thía, xúc động tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp. Tác giả viết bằng trái tim, tình cảm của mình nên dễ tìm được sự đồng cảm từ người đọc.

 

Lời giải 2 :

Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân chính là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của tầng lớp nông dân trong kháng chiến chống Pháp. Tính cách của ông được xây dựng thông qua những tình huống xoay quanh làng Chợ Dầu - nơi ông đã gắn bó suốt bao năm qua. Theo lệnh của Ủy ban, ông buộc phải rời làng đi tản cư. Tuy ở nơi khác nhưng ông vẫn luôn nhớ nhung những kỉ niệm khi xưa, lúc còn được ở cùng anh em, bà con thân thiết. Ông Hai yêu và tự hào về cái làng Chợ Dầu vô kể, lúc nào cũng đợi ngóng tin tức từ những người khác. Ấy vậy mà tin dữ ập tới. Người ta đồn nhau rằng làng Chợ Dầu theo giặc, bỏ cách mạng, là "cái giống Việt gian bán nước". Điều này khiến ông Hai bàng hoàng đến mức không dám tin. Nỗi xấu hổ cùng sự đau đớn cứ vậy bủa vây lấy người đàn ông đáng thương. Các chi tiết "cúi gằm mặt xuống mà đi", "nước mắt ông lão cứ giàn ra", "nắm chặt hai tay",... đã càng làm rõ hơn tâm trạng đầy bi kịch của nhân vật. Nhưng ngay trong chính hoàn cảnh bi đát ấy, ở ông Hai lại sáng lên lòng yêu nước, sự trung thành tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ vô cùng đáng quý. Ông gạt phăng đi cái suy nghĩ về làng, kiên quyết: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Và rồi, đến khi tin tức được cải chính, ông Hai như được hồi sinh từ trong đau khổ. Ông vui sướng như một đứa trẻ, mua quà bánh phát cho các con, đi khắp nơi khoe về việc giặc đốt nhà mình. Lúc này, tình yêu với làng đã hòa quyện cùng lòng yêu nước. Nhân vật ông Hai chính là đại diện tiêu biểu, là bức chân dung của biết bao người nông dân khi xưa. Họ chất phác, thật thà, đôn hậu và luôn tỏa sáng với những giá trị đạo đức tốt đẹp, đáng quý. 

Bạn có biết?

Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!

Nguồn :

TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự lớp 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, chúng ta sắp phải bước vào một kỳ thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô. Áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh và tương lai lên cấp 3 thật là lớn, nhưng hãy tin vào bản thân và giữ vững sự tự tin!

Nguồn :

sưu tập

Copyright © 2024 Giai BT SGK