Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, cuộc sống tự do và say mê cách mạng của nhân vật trữ tình. Đồng thời thể hiện khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình. |
Câu 1 (trang 56, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Theo trải nghiệm của bạn, một nỗi nhớ thường được khởi đầu và phát triển như nào?
Dựa vào kiến thức và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi này.
Theo trải nghiệm của em, nỗi nhớ thường khởi điểm từ sự mong muốn, khát khao một điều gì đó hay mong muốn được gặp ai đó và chắc chắn, tình cảm mà mình dành cho nó là rất nhiều. Để rồi khi làm bất cứ điều gì, ta cũng đều sẽ nghĩ, nhớ về điều gì đó hay về ai đó, rồi khi gặp được, cảm xúc sẽ dâng trào được biểu hiện rõ nét qua nét mặt, cử chỉ của bản thân.
- Nỗi nhớ thường khởi đầu bằng việc ta yêu quý, ấn tượng về một điều gì đó mà phải xa cách nhau.
- Nỗi nhớ phát triển khi tình cảm ấy ngày càng lớn, khi ta nhớ lại những ký ức được thúc đẩy bởi các mối quan hệ tinh thần.
Câu 2 (trang 56, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hãy tưởng tượng về cách bạn mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân. Điều gì sẽ được nói đến trước hết? Vì sao?
Dựa vào kiến thức và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi này.
Khi mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ, điều được nói đến trước hết chắc hẳn là nói nỗi nhớ đó là gì. Bởi trước khi bắt đầu một bài viết, việc đặt luôn ý chính của tác phẩm lên đầu sẽ giúp người đọc dễ nắm bắt được thông tin về tác phẩm. Việc nhắc đến nỗi nhớ đó là gì và diễn giải ở phía dưới sẽ giúp người đọc dễ dàng hiểu và dựa trên mạch thơ của người viết để hiểu sâu hơn về tâm tư, tình cảm của người viết đặt trong đó.
Nếu em mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân thì đối tượng của nỗi nhớ sẽ được nói đến trước hết vì để người đọc hình dung và ấn tượng với nỗi nhớ được đề cập tới trong sáng tác.
Câu 1 (trang 56, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Tiếng hò có mối quan hệ như thế nào với nỗi nhớ?
Dựa vào 2 câu đầu tiên của tác phẩm.
Tiếng hò cố mối quan hệ mật thiết đến nỗi nhớ của tác giả. Đây có thể coi là chiếc cầu nối gợi ra nỗi niềm thương nhớ của tác giả. Nó có thể giống với tiếng hò xưa mà tác giả đã từng nghe, bởi vậy khi nghe thấy câu hò, nỗi nhớ trong tác giả trỗi dậy, nuốt trọn tâm trạng của tác giả.
Cảm hứng của nỗi nhớ được gọi lên từ tiếng hò. Tiếng hò được lặp đi lặp lại nhiều lần trong văn bản. Tiếng hò cũng đại diện cho quê hương xứ Huế của tác giả.
Câu 2 (trang 56, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Các hình ảnh hiện lên ở đây có đặc điểm gì?
Đọc kỹ khổ thơ thứ 2 và thứ 3.
Các hình ảnh hiện lên trong 2 khổ thơ hết sức gần gũi, thân thương. Đó là hình ảnh của đất, của rặng tre, ô mạ, nương khoai sắn… bình dị về một vùng quê yên bình với cuộc sống ấm no được gợi lên trong nỗi nhớ mênh mông của tác giả.
Các hình ảnh: cồn thơm, ruồng tre, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai ngọt sắn bùi, chiều sương phủ bãi đồng, xóm làng, con đường thân thuộc, xóm nhà tranh,…
- Đặc điểm: Đều là những hình ảnh đồng quê đơn sơ, gần gũi quen thuộc hiện lên trong nỗi nhớ của tác giả.
Câu 3 (trang 56, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này có điểm gì giống và khác?
Đọc kỹ khổ thơ thứ tư.
So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này giống số lượng câu thơ với khổ thứ nhất đó là gồm 2 câu và cùng cấu trúc “Gì sâu bằng…!”. Nhưng trong khổ thơ thứ nhất, tác giả mới chỉ gợi ra nỗi nhớ một cách chung chung, còn trong khổ thơ thứ tư, nỗi nhớ được gắn liền với sự vật cụ thể “những trưa hiu quạnh” và thán từ “ôi” thể hiện nỗi nhớ đã lên đến cực điểm đến nỗi tác giả phải thốt lên. Qua đó, ta thấy được một nỗi nhớ da diết, quằn quại đang thường trực trong tác giả.
- Giống nhau: Đều chỉ có hai câu thơ, đều đề cập đến không gian buổi trưa hiu quạnh.
- Khác nhau:
+ Khổ 1 nhắc tới nỗi nhớ với tiếng hò.
+ Khổ 3 nhắc tới nỗi nhớ với ruộng đồng quê hương.
Câu 4 (trang 56, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hãy tưởng tượng về hình ảnh “bàn tay… vãi giống tung trời”.
Đọc kỹ khổ thơ thứ 5.
Hình ảnh “bàn tay… vãi giống tung trời” gợi cho em tưởng tượng về bàn tay tần tảo, lam lũ của những người nông dân. Họ ngày đêm tham gia vào sản xuất, trồng lúa. “Vãi giống tung trời” có thể hiểu là khi đã vào mùa cấy lúa, người nông dân bước vào mùa gieo mạ, họ cầm từng nắm mạ ném xuống đất, xuống ruộng. Đây đều là hình ảnh hết sức gần gũi và ta đều có thể bắt gặp dễ dàng ở bất kỳ chỗ nào tại nông thôn Việt Nam xưa. Qua hình ảnh đó, ta thấy trong tác giả một nỗi nhớ đồng bào, nhớ quê hương da diết, mong muốn được trở về sát cánh cùng với người dân, với cách mạng của Tố Hữu.
Đó là bàn tay của những người nông dân chất phác hồn hậu đang vất vả trên cánh đồng. Đó là bàn tay gieo trồng lên đất sự giống, gieo cho đời những tinh túy yêu thương.
Câu 5 (trang 57, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm những ai?
Đọc kỹ khổ thơ thứ 9.
“Hồn thân” ở đây có thể hiểu là những người anh hùng nông dân, những người nông dân chất phác đã hy sinh cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là những con người quả cảm, hiền hậu, họ đã ra đi nhưng “hồn” của họ vẫn còn mãi, trong tâm trí của những người ở lại. Tác giả sử dụng từ “hồn thân” như một cách gọi thân thương nhằm giảm bớt sự đau buồn đối với những người ở lại.
Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm: những người nông dân, mẹ.
Câu 6 (trang 57, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
“Tôi” ở khổ thơ này có sự phát triển như thế nào so với “tôi” ở khổ thơ trên?
Đọc kỹ khổ thơ 10, 11.
Từ “tôi” ở khổ thơ này khác với khổ thơ trên ở chỗ”
- “Tôi” ở khổ thơ thứ 11 là tôi khi đã tìm ra chân lý của đời mình, tìm thấy lý tưởng của đời mình, đang phấn đấu, thực hiện nó. Đó là một cái tôi đầy vui vẻ, yêu đời, tràn ngập niềm tin vào cuộc sống ẩn sau hình ảnh “con chim cà lơi”.
- “Tôi” ở khổ thơ thứ 10 là cái tôi đang tìm kiếm lý tưởng của đời mình. Đứng trước nhiều lựa chọn, không biết đi đâu, về đâu, băn khoăn rồi lại chán nản. Đó là một cái tôi đang chìm trong đen tối, buồn tủi bởi chưa tìm ra được chân lý của đời mình.
- “Tôi” ở khổ thơ trên là tác giả trong những ngày lang thang đi tìm chân lý, tìm lý tưởng sống của cuộc đời mình.
- “Tôi” ở khổ thơ này là tác giả đã tìm cho mình một lẽ sống, được chiếu sáng bởi ánh sáng của mặt trời chân lí.
Câu 7 (trang 57, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?
Đọc kỹ khổ thơ thứ 12.
Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” gợi lên tình cảnh của tác giả. Như một con chim bị nhốt trong lồng, tác giả đang mong muốn được tự do, nhớ đến những ngày tháng tự do trước kia của mình, khao khát được quay trở lại đó, được đi theo chân lý của mình như con chim tung cánh bay giữa bầu trời tự do với gió mây, với trời xanh. Qua đó, ta thấy nỗi nhớ trong tác giả đã chuyển thành nỗi niềm khát khao được tự do.
Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt khao khát được giống như cánh chim tung bay với gió mây ngoài trời, được thoát ra bên ngoài cánh cửa nhà lao để về với đồng đội đồng chí. Người chiến sĩ cách mạng với nhiệt huyết căng tràn, ông mong muốn được thoát ra ngoài để làm cách mạng, để được sống với lý tưởng cháy bỏng của mình chứ không phải ngồi trong ngục tù như con chim bị nhốt trong lồng.
Câu 1 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Theo bạn, nhan đề Nhớ đồng đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ hay chưa? Vì sao? Nên hiểu như thế nào về nghĩa của từ "đồng” trong nhan đề?
Dựa vào nhan đề của tác phẩm và ý hiểu của bản thân.
Theo em, nhan đề Nhớ đồng đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ bởi cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ quê hương tha thiết của tác giả. Từ “đồng’ trong nhan đề có thể hiểu theo hai cách. Đầu tiên đó là đồng trong từ “cánh đồng”, đây là biểu hiện cho nỗi nhớ quê hương, nhớ về những ngày tháng còn được sống và tận hưởng vẻ đẹp bình dị của quê hương. Tiếp đến, từ “đồng” có thể hiểu là “đồng chí” – những người cùng chí hướng, cùng làm cách mạng với tác giả. Đó là những người cùng chung lý tưởng, luôn đấu tranh để giải phóng dân tộc.
- Nhan đề “Nhớ đồng” đã bao quát toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ. Vì bài thơ là niềm yêu quý thiết tha và nỗi nhớ da diết của nhà thơ với quê hương, đồng bào.
- Từ “đồng” ở đây có thể hiểu là đồng quê, đồng bào.
Câu 2 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Bạn có nhận xét gì về đặc điểm hình thức và nội dung của các khổ thơ 1, 4, 7, 13 trong văn bản? Các khổ thơ này được phân bổ theo "quy luật” nào ?
Đọc kỹ các khổ 1, 4, 7, 13.
- Hình thức: các khổ thơ 1, 4, 7, 13 điệp cấu trúc “Gì sâu bằng… !” và đặc biệt câu 1 và 7, 4 và 13 là giống nhau.
- Nội dung: các khổ thơ trên đều biểu đạt một nội dung chung đó là nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả được thể hiện qua hình ảnh tiếng hò và những buổi trưa quê hương.
→ Các khổ thơ này được phân bổ theo quy luật đan xen sự lặp lại giữa các câu, 1 với 7 và 4 với 13 tạo nên một kết cấu vòng tròn thể hiện một nỗi nhớ da diết đến cháy bỏng, cứ thế lặp đi lặp lại của người chiến sĩ cộng sản đang sôi sục lòng yêu nước cháy bỏng.
- Đặc điểm hình thức: Các đoạn thơ chỉ có 2 dòng thơ. Được mở đầu bằng cụm từ “Gì sâu bằng…).
- Nội dung: các khổ thơ trên đều biểu đạt một nội dung chung đó là nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả được thể hiện qua hình ảnh tiếng hò và những buổi trưa quê hương.
- Quy luật: Các khổ thơ này được phân bổ theo quy luật đan xen sự lặp lại giữa các câu, 1 với 7 và 4 với 13 tạo nên một kết cấu vòng tròn thể hiện một nỗi nhớ da diết đến cháy bỏng, cứ thế lặp đi lặp lại của người chiến sĩ cộng sản đang sôi sục lòng yêu nước cháy bỏng.
Câu 3 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hệ thống hình ảnh trong bài thơ đã biểu đạt được những nội dung gì? Bạn hiểu và đánh giá như thế nào về cách tác giả đan cài, phối hợp, sắp xếp các cụm hình ảnh.
Đọc kỹ bài thơ, chú ý vào những hình ảnh được tác giả sử dụng trong bài.
- Hệ thống hình ảnh trong bài thơ biểu đạt nội dung về nỗi nhớ quê hương da diết. Đó là nỗi nhớ bình dị thể hiện qua những hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà ta có thể dễ dàng bắt gặp tại bất kỳ một vùng nông thôn Việt Nam tại thời điểm đó. Đây cũng là tình cảm của tác giả đối với quê hương của mình, là sự trân trọng của một người con xa quê tự ý thức được về quê hương và nghĩa vụ của mình phải bảo vệ những thứ bình dị, tuyệt đẹp ấy.
→ Cách tác giả đan cài, phối hợp, sắp xếp các cụm hình ảnh đều hợp tình, hợp lý. Đầu tiên là những sự vật bình dị, gắn bó mật thiết với quê hương như hình ảnh rặng tre, cánh đồng, những mái nhà… rồi đến “hồn thân” – những người dân chất phác đã ngã xuống vì độc lập dân tộc… Tất cả đều đi theo một trình tự hợp lý, phù hợp với tâm tư, tình cảm lúc bấy giờ của tác giả khi đang bị giam giữ, nhớ về quê hương, về con đường cách mạng mà buồn da diết bởi tình cảnh bị giam, không thể cùng với nhân dân, với anh em đồng chí tiếp tục sự nghiệp cách mạng.
- Hệ thống hình ảnh giúp bộc lộ tâm trạng của nhà thơ mang nặng nỗi nhớ quê hương, đồng đội, khao khát được tự do.
- Đầu tiên là những cụm hình ảnh về bức tranh đồng quê, sau đó là cụm hình ảnh về những người nông dân lao động cần cù, tiếp theo là cụm hình ảnh về những người đồng đội, cuối cùng là tác giả nhớ chính mình ở những ngày xưa đã xa. → Tác giả diễn tả nỗi nhớ đi theo trình tự từ bao quát đến cụ thể.
Câu 4 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Từ "đâu” xuất hiện bao nhiêu lần và đóng vai trò gì trong câu từ của bài thơ
Chú ý vào những từ “đâu” được sử dụng trong bài.
Từ “đâu” xuất hiện 10 lần trong tác phẩm. Nó thể hiện một tâm trạng ngổn ngang, vô định, không biết đi đâu, về đâu của một người thanh niên luôn sôi sục lòng yêu quê hương, đất nước với ý chí cách mạng mạnh mẽ nhưng lại chịu cảnh giam cầm, tù đày. Tấm lòng ấy chỉ có thể thốt thành lời, thành thơ chứ không thể thành hành động thực tế. Điều đó khiến tác giả không khỏi băn khoăn, trăn trở về con đường sau này của cách mạng, của tương lai dân tộc. Đồng thời, từ “đâu” cũng thể hiện sự hồi tưởng về những năm tháng huy hoàng, tự do của tác giả.
- Từ “đâu” xuất hiện 10 lần.
- Điệp từ “đâu” lập lại liên tiếp ở các khổ thơ trải ra mênh mông nỗi nhớ của nhà thơ. Nó khơi gợi để nhà thơ hồi tưởng và nhớ thương về tất cả những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Đôi chân đã bị cùm, đôi mắt đã bị giam hãm bởi bốn bức tường của nhà lao, nhà thơ chỉ còn có thể nghe và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của mình.
Câu 5 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phân tích tác dụng nghệ thuật của việc sử dụng luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm thán trong văn bản.
Đọc kỹ toàn bộ tác phẩm.
Việc sử dụng luân phiên những câu hỏi như “Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?”; “Vãi giống tung trời những sớm mai?” gợi lên tâm trạng ngổn ngang của tác giả, bất giác nhớ về quê hương với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc thân thương. Ẩn sâu trong đó ta thấy được sự mong ngóng về một ngày được gặp lại những khung cảnh ấy, để thỏa mãn được nỗi nhớ, tâm tư của tác giả.
Những câu kể cũng được đan xen hết sức tài tình. Đó là kể về hình ảnh quê hương trong tâm trí của tác giả. Là cồn đất thơm, những ô mạ xanh, những rặng tre, những xóm nhà tranh… Để từ đó, giúp người đọc hình dung ra được quê hương trong tác giả, nó giản dị, ấm no và hạnh phúc đến như thế nào.
Cuối cùng, việc đan xen những câu cảm thán bên cạnh câu kể và câu hỏi giúp làm tăng thê, giá trị biểu cảm của bài thơ. Bởi đó là những câu bộc lộ cảm xúc đang dâng trào của tác giả, là sự thể hiện cho một nỗi nhớ đã lên đến đỉnh điểm, thốt lên thành lời của một thanh niên với tấm lòng yêu nước sôi sục được cống hiến, góp sức mình cho Tổ quốc.
Tác dụng nghệ thuật của việc luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm trong văn bản:
- Gợi ra một sự ám ảnh lớn trong lòng người về nỗi nhớ thương da diết và sự cô đơn tự đáy lòng sâu thẳm của nhà thơ.
- Việc sử dụng thành công luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm cho thấy sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ trong hoàn cảnh tù đày.
Câu 6 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Theo bạn, hình ảnh nào trong bài thơ mang tính tượng trưng rõ nét hơn cả? Hãy làm rõ tính tượng trưng ở hình ảnh ấy.
Dựa vào bài viết và nêu ra quan điểm của bản thân.
Theo em, hình ảnh trong bài thơ mang tính tượng trưng hơn cả đó là hình ảnh về “ruộng đồng”. Đó là hình ảnh điểm hình của nông thôn Việt Nam tại thời điểm đó – nơi nổi bật lên những cánh đồng xanh bất tận, trải dài gợi lên một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân khi mùa màng bội thu, ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Hay ẩn trong đó từ “đồng” còn để chỉ những người đồng chí, bạn bè, những người cùng chí hướng cách mạng với tác giả. Họ vẫn đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Từ đó, giúp người đọc thấy được khát khao cháy bỏng của người thanh niên yêu nước.
Hình ảnh trong bài thơ mang tính tượng trưng, rõ nét hơn cả là: Hình ảnh tiếng hò quê hương.
- Cảm hứng của nhà thơ được gợi lên từ một thứ âm thanh đặc biệt - tiếng hò quê hương.
- Tiếng hò vang lên lẻ loi, đơn độc giữa trưa tĩnh lặng, sâu lắng → Gợi lên nỗi buồn, hiu quạnh, đồng điệu với cảnh ngộ tâm trạng người tù.
- Điệu hò gợi nhớ lại làn điệu dân ca xứ Huế mộng mơ, trữ tình.
Câu 7 (trang 58, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Bài thơ cho thấy điều gì về tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình? Nếu cảm nhận của bạn về những cảm xúc, tâm tình được tác giả bộc lộ trong bài thơ.
Dựa vào bài thơ và những hiểu biết về bài thơ.
Bài thơ cho thấy tâm trạng buồn mang theo nỗi niềm nhớ quê hương da diết, mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng, nhớ cuộc sống tự do, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Qua đó, ta thấy được lý tưởng của một người chiến sĩ cách mạng đang sôi sục, chảy sâu trong con người của tác giả. Đó là lý tưởng của một người thanh niên khi đã được giác ngộ, tìm ra chân lý của đời mình, luôn cống hiến hết mình để thực hiện lý tưởng cao đẹp ấy, phụng sự cho Tổ quốc. Một khát khao cháy bỏng bảo vệ được quê hương, những hình ảnh rất đỗi bình dị, thân thương.
→ Để từ đó, nổi bật lên trên bài thơ đó là nỗi nhớ da diết của một người con đối với quê hương. Nhớ về cuộc sống tự do như một chú chim được cất cao tiếng hót giữa bầu trời xanh thẳm, được tự do làm điều mình thích. Nghĩ về những ngày tháng tươi đẹp ấy, tác giả thấy buồn man mác bởi hiện thực tàn khốc, chịu đựng cảnh cầm tù không biết tương lai sẽ thế nào. Bởi vậy trong nỗi niềm thương nhớ, khát khao của tác giả, ta vẫn bắt gặp một nỗi buồn man mác, thầm kín.
- Tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình: Tác giả thể hiện cảm xúc nhớ thương của nhà thơ về quê hương, về đồng bào. Để rồi từ đó càng dậy lên trong lòng nhà thơ khát khao được tự do, khát khao hành động, khát khao thực hiện lí tưởng hòng đem lại độc lập cho dân tộc, sự no ấm cho quê hương.
- Cảm nhận: Đó là là cảm xúc và tâm trạng của một người chiến sĩ cộng sản khát khao tự do hành động. Nỗi nhớ đồng quê, con người, chính mình biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù, bao trùm lên là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do.
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh đã làm nên thế giới cảm xúc “nhớ đồng” trong bài thơ
Dựa vào nội dung bài thơ.
Chú ý đến các hình ảnh để tìm ra mối liên hệ giữa chúng.
Bài thơ “Nhớ đồng” là một sự tổng hòa giữa tâm trạng, cảm xúc lẫn lý tưởng của tác giả - một người thanh niên trẻ đang chịu cảnh tù đày. Bài thơ được đi theo một tuần tự hợp lý, từ hình ảnh quê hương hiện lên đến việc tìm ra chân lý, lý tưởng cách mạng của tác giả. Từ đó, ta có thể hiểu nhờ vào tình yêu quê hương, yêu từ những thứ nhỏ bé, bình dị nhất đã giúp tác giả tìm ra triết lý sống cho mình. Những tình cảm nhỏ bé đã vun đắp cho tâm hồn của người thanh niên, đưa anh đến gần với lý tưởng cách mạng. Nó như một điều kiện cần, căn bản cần có của một người chiến sĩ cách mạng đó là tình yêu quê hương, đất nước. Bởi vậy, những hình ảnh đó trong bài thơ đã góp một phần quan trọng giúp ta hiểu được tâm tư, tình cảm của tác giả, nỗi nhớ cùng niềm khát khao cháy bỏng của một người thanh niên trẻ yêu nước da diết.
Tố Hữu đã bộc lộ cảm xúc “nhớ đồng” của mình bằng hệ thống các hình ảnh rất gần gũi và thân quen. Các hình ảnh ấy có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng nhau làm nổi bật tâm trạng của người tù cách mạng. Đồng quê hiện lên rất đậm nét qua nỗi nhớ của tác giả. Đó là những cảnh sắc như đồng ruộng với những cồn thơm, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai sắn ngọt bùi; xóm nhà chìm lặng, con đường mòn mỏi theo năm tháng. Tất cả đều là những cảnh sắc đơn sơ quen thuộc mà rất đỗi thân thương. Từ nỗi nhớ đồng quê, nhà thơ nhớ về những người nông dân cần lao và nhớ về người mẹ hồn hậu của mình. Những nỗi nhớ và thực tại tù hãm đã thôi thúc tâm trí nhà thơ nhớ về những ngày tháng gian nan đi tìm chân lí cuộc đời và sự hạnh phúc đến vô cùng khi ông được giác ngộ lí tưởng Cách mạng. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng - nhà thơ Tố Hữu.
>> Xem chi tiết: Văn bản Nhớ đồng
Học Văn cần sách giáo khoa, vở bài tập, bút mực, bút chì, sách tham khảo về các tác phẩm văn học và từ điển.
- Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn cho tất cả học sinh phổ thông trên mọi miền của đất nước, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực cần có đối với người công dân Việt Nam trong thế kỉ XXI. Với thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”, bộ SGK này được biên soạn theo mô hình hiện đại, chú trọng vai trò của kiến thức, nhưng kiến thức cần được “kết nối với cuộc sống”, bảo đảm: 1) phù hợp với người học; 2) cập nhật những thành tựu khoa học hiện đại, phù hợp nền tảng văn hóa và thực tiễn Việt Nam; 3) giúp người học vận dụng để giải quyết những vấn đề của đời sống: đời sống cá nhân và xã hội, đời sống tinh thần (đạo đức, giá trị nhân văn) và vật chất (kĩ năng, nghề nghiệp).
Ngữ văn là môn học khai phá vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn học, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và tâm hồn con người qua từng tác phẩm văn chương và các hiện tượng ngôn ngữ học.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 11 - Năm học quan trọng, bắt đầu hướng đến những mục tiêu sau này. Hãy học tập chăm chỉ và tìm ra đam mê của mình để có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai!'
- Học nhưng cũng chú ý sức khỏe nhé!. Chúc các bạn học tập tốt.
Nguồn : Sưu tậpCopyright © 2024 Giai BT SGK