Chí Phèo là lời tố cáo đanh thép của Nam Cao về xã hội đương thời tàn bạo, thối nát đã đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của con người ngay cả khi bị vùi dập mất hết cả nhân hình, nhân tính. |
Câu 1 (trang 23, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Thế nào là định kiến xã hội? Các định kiến xã hội có thể ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng như thế nào?
Dựa vào kiến thức và tìm hiểu của bản thân.
- Định kiến xã hội là những suy nghĩ áp đặt theo một quy chuẩn (thường là theo tiêu chuẩn của xã hội cũ) lên hành vi, lối sống của người khác. Thường là tiêu cực.
- Các định kiến xã hội có thể đem đến ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân, cộng đồng. Những người xung quanh họ sẽ sợ bị phán xét, bị trở thành tâm điểm của các cuộc trò chuyện vì vậy họ không dám là chính mình, theo đuổi đam mê của chính mình. Hay đối với cộng đồng luôn mang trong mình những định kiến, kìm hãm sự phát triển, phá cách của con người và từ đó, kìm hãm cả sự phát triển của toàn xã hội.
- Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Nói cách khác, định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm hai thành tố chính là nhận thức và ứng xử.
- Các định kiến xã hội có thể làm thay đổi cuộc sống, số phận của một con người, đẩy họ vào đường cùng. Đối với cộng đồng, định kiến xã hội sẽ hình thành một lối sống kém văn minh, sẽ khiến cho cộng đồng bị thụt lùi về suy nghĩ cũng như cách sống.
Định kiến xã hội là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành trước trong suy nghĩ con người. Mang đến các đánh giá chủ quan về hiện tượng, sự vật hay con người. Định kiến đó được xây dựng trước khi con người nhận thức được các dữ kiện có liên quan hoặc biết rõ những thông tin liên quan của một sự kiện cụ thể. Từ đó dẫn đến các đánh giá không chính xác, không dựa trên căn cứ xác đáng.
Định kiến xã hội chính là cách nhìn nhận cứng nhắc, bảo thủ về bản chất của những con người, loại người, tầng lớp người cụ thể trong đời sống một cộng đồng. Ấn tượng không tốt về một người, một loại người tại một thời điểm đã duy trì lâu dài trong ý thức của các thành viên cộng đồng. Định kiến cũng là sự phát huy thái quá của dư luận xã hội.
Các định kiến xã hội sẽ ảnh hưởng: mang đến cảm giác tiêu cực, trong xã hội, nếu chỉ đánh giá người khác thông qua định kiến, như định kiến về hình xăm thì hệ quả đầu tiên mà chúng ta đánh giá không đúng về họ, từ đó sẽ dẫn đến những hành xử hoặc quyết định sai lầm, gây nên những tổn hại đến lợi ích vật chất cũng như tinh thần của người khác, của chính mình và cũng có thể của tất cả mọi người xung quanh. Người bị hiểu nhầm nặng nề thì bị ức chế tâm lý và dần thui chột tài năng… Còn đối với người đánh giá sai về người khác cũng không thể nào giao tiếp tốt với những người khác được nữa, từ đó các mối quan hệ xã hội sẽ dần có nguy cơ bị rạn nứt hoặc đổ vỡ không thể cứu vãn.
Câu 2 (trang 23, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Có thể bạn đã từng nghe thấy người ta gọi tính cách hay cách ứng xử của một ai đó là “Chí Phèo”. Cách gọi ấy đã hàm ẩn sự đánh giá như thế nào đối với tính cách hay cách ứng xử này?
Dựa vào kiến thức và tìm hiểu của bản thân từ cuộc sống thực.
Em đã từng nghe người thân nhắc đến từ “Chí Phèo” để chỉ cách cư xử của người khác. Những người bị nói như vậy thường là những người hay nghiện rượu, say xỉn, không chịu khó làm ăn, bòn rút tiền của của vợ con, không phải một người tử tế, thích đánh lộn. Vì vậy, em có thể khẳng định cách nói như vậy để chỉ những người không tốt đẹp, nghiện rượu, không làm ăn và gây đau khổ cho người khác.
Cách gọi “Chí Phèo” đã hàm ẩn tính cách và cách ứng xử của một người say rượu, chửi đổng và chuyên đi rạch mặt ăn vạ.
Câu 1 (trang 23, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý sự luân phiên của các điểm nhìn (điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật, điểm nhìn bên ngoài và bên trong).
Đọc kỹ đoạn đầu tác phẩm.
Điểm nhìn của người kể được luân phiên và đan xen với nhau. Từ điểm nhìn của người kể Chí Phèo đang vừa đi vừa chửi trời, đất và cả làng Vũ Đại. Rồi tiếp đó là điểm nhìn của nhân vật thể hiện qua những câu cảm thán bộc lộ rõ tâm trạng của nhân vật “Tức thật! Tức thật!... Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không?...”
→ Điểm nhìn linh hoạt, luân phiên đan xen tạo cảm giác thú vị, thu hút người đọc.
Đoạn văn có sự thay đổi linh hoạt về điểm nhìn:
- Điểm nhìn của người kể chuyện:
+ Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại
+ Không ai lên tiếng cả … không ai biết …
- Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra
- Điểm nhìn bên ngoài:
+ Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả
+ Đã thế, hắn … không ai ra điều
+ Phải đấy … không ai biết.
+ Tức thật … Tức chết đi được mất
+ Mẹ kiếp … nông nỗi này.
Điểm nhìn trần thuật: ngoi kể thứ ba theo điểm nhìn bên trong. Nhân vật mang điểm nhìn bên trong thường là nhân vật chính trong truyện (Chí Phèo).
Điểm nhìn được thay đổi từ điểm nhìn bên ngoài đến điểm nhìn bên trong, từ điểm nhìn không gian đến điểm nhìn thời gian, từ điểm nhìn một người đến điểm nhìn của số đông, có khi điểm nhìn trao cho nhân vật này, lúc thì trao cho nhân vật khác, nghĩa là toàn truyện có một sự di chuyển điểm nhìn liên tục. Nhân vật thì được đặt trong trung tâm của các điểm nhìn. Với nhân vật Chí Phèo, mở đầu truyện ngắn là cái nhìn trần thuật của người kể chuyện. Sau đó, với hình thức lời nửa trực tiếp, điểm nhìn của chủ thể trần thuật lại hóa thân vào điểm nhìn của Chí Phèo: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng người nào? Rồi hẳn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai… Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”. Trong “Chí Phèo”, xuất hiện dày đặc kiểu lời nói nửa trực tiếp như thế. Hình thức này cho phép chủ thể trần thuật di chuyển điểm nhìn rất linh hoạt, đồng thời với kiểu độc thoại nội tâm, chủ thể trần thuật có điều kiện soi chiếu vào những mảng tâm trạng sâu kín nhất của nhân vật.
Câu 2 (trang 24, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Vì sao Chí Phèo lại khiến làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng?
Đọc đoạn 2, 3 của tác phẩm.
Chí Phèo khiến làng Vũ Đại e sợ bởi:
- Ngoại hình như thằng săng đá: cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng, hai con mắt gườm gườm trông gớm chết… Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế.
- Hành động của hắn: uống rượu say khướt; chửi bới ở cổng nhà bá kiến; tay lúc nào cũng nhăm nhăm cầm cái vỏ chai; ăn vạ…
Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng vì:
- Trông như thằng săng đá.
- Trông rất gớm chết: cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm.
- Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế.
Bởi do dáng vẻ bên ngoài của hắn, cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, có hai cánh tay cũng thế.
Câu 3 (trang 24, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình?
Đọc đoạn 2, 3 của tác phẩm.
Người kể không hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình bởi trong lời kể của tác giả có đan xen lời bàn tán, xì xèo, suy luận của người dân xung quanh đứng hóng chuyện.
Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình. Vì có sự tham gia của điểm nhìn nhân vật “Ôi! Cái gì thế này?” (Suy nghĩ của Chí Phèo).
Khi hắn say khướt, xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy bộ điệu hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, cuối cùng không ai ra.....
Câu 4 (trang 25, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý những chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình.
Đọc đoạn từ “Và học thấy Chí Phèo lăn lộn… Không bảo người nhà đun nước, mau lên!”
Chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến:
- Nói giọng nhỏ nhẹ: “Anh Chí ơi! Sao anh lại làm thế?”; “Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết…”
- Chuyển sang giọng nói thân mật: “Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi! Đi vào nhà uống nước.”; “Nào đứng lên… mang tiếng cả ra.”…
- Đưa mắt nháy con một cái và quát: “Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên!”
Chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình:
- Với Chí Phèo:
+ Hỏi thăm: Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế? Về bao giờ thế?
+ Mời vào nhà uống nước: Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.
- Với người nhà:
+ Quát mấy bà vợ: Các bà đi vào trong nhà; đàn bà chỉ biết lôi thôi, biết gì?
+ Nháy mắt con một cái, quát: Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước mau lên.
Bá Kiến đối với Chí Phèo: xưng "anh”.
Bá Kiến với người nhà của mình: quát mắng và đuổi vào trong nhà.
Câu 5 (trang 26, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Những cảm giác, ấn tượng gì đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo?
Đọc đoạn từ “Khi Chí Phèo mở mắt… dăm ba sào ruộng làm”.
Cảm giác, ấn tượng đánh dấu sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo:
- Hắn nhận ra mặt trời rực rỡ, nghe thấy tiếng chim ríu rít.
- Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau giấc say dài; chân tay bủn rủn, không buồn nhấc; nghĩ đến rượu, hắn rùng mình.
- Hắn nghe được tiếng cười nói, tiếng gõ mái chèo – những âm thanh quen thuộc mà trước kia hắn chưa từng nghe thấy.
- Hắn nôn nao buồn khi nghe câu chuyện của 2 người đàn bà; hắn ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…
Những cảm giác, ấn tượng đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo:
- Mở mắt thì trời đã sáng lâu
- Mặt trời chắc đã cao, nắng bên ngoài rực rỡ
- Tiếng chim ríu rít
- Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài
- Lòng mơ hồ buồn, hắn hơi rùng mình, hắn sợ rượu
- Thấy tiếng chim hót vui vẻ, thấy tiếng người đi chợ
Chí Phèo cảm nhận được sự sống của thiên nhiên: mặt trời bên ngoài nắng rực rỡ, nghe thấy chim ríu rít bên ngoài, tiếng cười nói của những người đi chợ, .... cảm nhận được những niềm vui xung quanh.
Câu 6 (trang 27, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Điều gì ám ảnh Chí Phèo nhất khi nghĩ về cuộc đời của mình?
Đọc đoạn từ “Tỉnh dậy hắn thấy…và đau ốm”.
Điều ám ảnh Chí Phèo nhất khi nghĩ về cuộc đời của mình chính là sự cô độc. Hắn tự nhận ra bản thân luôn một mình dù đã ngoài 40 tuổi – cái tuổi mà đáng nhẽ ra phải gia đình ấm no, con cái quây quần, vậy mà hắn vẫn một mình. Nỗi cô độc này còn đáng sợ hơn cả nỗi đau ốm, bệnh tật.
Chí Phèo trông thấy tuổi già của hắn, hắn ám ảnh nhất là sự cô độc khi nghĩ về cuộc đời mình.
Hắn dường như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, cô độc là điều đáng sợ nhất.
Câu 7 (trang 28, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩ và hành động nào?
Đọc đoạn từ “Cũng may thị Nở vào… mang ra cho Chí Phèo”.
Lòng trắc ẩn của thị Nở được thể hiện qua sự quan tâm của thị dành cho hắn. Thị nghĩ hắn bị ốm và nấu cháo cho hắn ăn. Có thể nó xuất phát từ sự đồng cảm của thị dành cho hắn – một con người cũng khá bất hạnh hay đó có thể hiểu là tình cảm của thị dành cho hắn. Dù hiểu theo nghĩa nào, hình ảnh “bát cháo hành” cũng để lại ấn tượng sâu sắc về một sự quan tâm, lo lắng của một người đàn bà dành cho Chí Phèo.
Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩ và hành động:
- Thị nghĩ: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra cũng đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình.
- Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết.
- Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn, nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn.
- Thị nghĩ: bỏ hắn lúc này thì cũng bạc, dù sao cũng ăn nằm với nhau như vợ chồng.
- Thị muốn gặp Chí Phèo, phải cho hắn ăn gì mới được.
- Thị nấu cháo hành cho Chí.
Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua: nấu cháo hành, chăm sóc khi hắn bị ốm.
Câu 8 (trang 28, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Người kể chuyện đặt điểm nhìn ở đâu khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của thị Nở?
Đọc đoạn từ “Thằng này rất ngạc nhiên… mới nếm vị mùi cháo?”
Người kể chuyện đặt điểm nhìn của mình với vai trò là người chứng kiến toàn bộ sự việc, hiểu rõ tính cách cũng như tâm lý của những người trong cuộc từ đó đưa ra được sự miêu tả chân thực nhất về diễn biến tâm lý của từng nhân vật.
Người kể chuyện đặt điểm nhìn bên trong khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của thị Nở:
- Hắn thấy ngạc nhiên, bâng khuâng.
- Hắn thấy vừa vui vừa buồn, và giống như thấy ăn năn.
- Hắn nhận ra những người suốt đời không ăn cháo hành, không biết rằng cháo rất ngon.
→ Miêu tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.
Người kể chuyện đã đặt điểm nhìn trần thuật và nhân vật để miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bất cháo hành của thị Nở.
Câu 9 (trang 29, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ như thế nào đối với Chí Phèo?
Đọc đoạn từ “Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời… Hắn thấy lòng rất vui”
Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ công bằng, bình đẳng, đánh giá một cách trung thực, khách quan nhất về nhân vật Chí Phèo. Với ông, con người đều có quyền bình đẳng, phê phán xã hội vô nhân đạo đày đọa con người. Vì vậy, dưới góc nhìn khách quan của mình, ông đã đòi lại công bằng cho một người được coi là “đáy xã hội”, bị mọi người hắt hủi.
Thể hiện thái độ cảm thông và thương xót đối với Chí Phèo.
Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ nhân đạo nhằm thức tỉnh con người hắn.
Câu 10 (trang 30, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo có thỏa đáng không?
Đọc đoạn từ “Chúng sẽ làm thành một cặp… lấy thằng Chí Phèo?”
Lý do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo không thỏa đáng bởi bà nhìn lại mình rồi áp đặt lên thị Nở, bà cho rằng đã ngoài 30 tuổi rồi ai lại đi lấy chồng. Hơn nữa, Chí Phèo còn là thằng không cha không mẹ, còn làm nghề rạch mặt ăn vạ, bà thấy nhục nhã thay cháu mình. Bà đã áp đặt cuộc đời của mình lên cháu mình và tin vào những lời đồn thổi ngoài kia rồi phản đối thị Nở đến với Chí Phèo.
Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo:
- Bà nhục cho cha ông nhà bà
- Bà thấy chua xót, uất ức, đổ cái uất ức lên cháu à
- Bà thấy cháu mình đĩ
- Bà thấy ai đời ngoài ba mươi còn đi lấy chồng
- Ai lại đi lấy thằng rạch mặt ăn vạ
→ Những lí do bà cô đưa ra không thỏa đáng vì những định kiến xã hội.
Bà ta đã không thể mở lòng, không thể suy nghĩ một cách tích cực rằng Chí Phèo sẽ thay đổi và Thị Nở ít ra cũng hơn bà có được hạnh phúc, bởi lý trí của bà ta bị che mờ bởi sự ích kỷ, bởi những định kiến cay nghiệt mà người đời gán cho Chí Phèo.
Câu 11 (trang 31, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Tại sao tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành?
Đọc đoạn từ “Thị nghe thấy thế mà lộn ruột… lúc ra đi chúng định làm”
Tâm trí của Chí Phèo lúc này bị ám ảnh bởi hơi cháo hành bởi lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Bát cháo hành chính là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm, chăm sóc hay chính là tình yêu của thị Nở dành cho hắn, điều đó khiến hắn không thể nào quên đi hương vị của bát cháo đó. Trong khi hắn đang muốn quay lại làm người, thị xuất hiện, trút giận lên hắn đã khiến hắn tỉnh ra, hơi cháo hành xuất hiện như một sự hồi niệm về một mối tình ngắn ngủi thoáng qua giữa hai người.
Tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành vì: Thị Nỡ nghe lời bà cô đã từ chối Chí. Chí Phèo đang trên con đường hoàn lương lại bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng. Hắn vừa nhớ thị nhưng cũng vừa hận thị.
Bởi đó là hương vị tình người đầu tiên của một người dành cho hắn. Sau năm ngày ở với Chí Phèo, Thị Nở “bỗng nhớ ra mình còn một bà cô trên đời” và quyết định “dừng yêu” để xin ý kiến bà cô. Thị bị bà cô xỉa xói vào mặt và khi quay lại nhà Chí Phèo, Thị chửi Chí bằng tất cả những lời của bà cô và vùng vằng quay về. Chí “ngẩn người ra” và chạy vội ra níu tay Thị nhưng bị Thị dúi cho một cái rồi bỏ về. Chí rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng. Thị Nở đã phụ bạc hắn, hắn không còn cơ hội để quay về với cuộc sống lương thiện. Tuyệt vọng, hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng cứ thấy “hơi cháo hành”. Đó là biến thể của “bát cháo hành”. Hắn không say, vị ngọt tình người cứ thoang thoảng để hắn đau khổ “khóc rưng rức”.
Câu 12 (trang 31, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến có phải hoàn toàn do hắn say như nhận xét trước đó của người kể chuyện không?
Đọc đoạn từ “Trời nắng lắm, nên đường vắng… vẫn còn ứ ra?”
Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến không phải hoàn toàn do hắn say như nhận xét của người kể chuyện. Sau khi nghe thị Nở nói, hắn hiểu ra cơ sự, hắn muốn tìm đến cái tên đầu sỏ, người đã biến hắn thành như vậy, đó là bá Kiến. Hắn muốn chấm dứt ân oán này, muốn tìm lại lương thiện cho chính mình nhưng thật khó để vẹn cả đôi đường. Vì vậy, hắn lựa chọn kết thúc đời mình cùng kẻ đã khiến mình trở nên như vậy.
Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến không phải hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện bởi: Chính Bá Kiến là người đã đẩy hắn vào tù, biến hắn từ người nông dân canh điền thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Điều đó đã gián tiếp gây ra sự việc thị Nở từ chối hắn.
Cũng có say nhưng không hoàn toàn.
Câu 13 (trang 32, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Đây có phải là những lời của một kẻ say không?
Đọc đoạn từ “Trời nắng lắm, nên đường vắng… vẫn còn ứ ra?”
Đây không phải là lời của một kẻ say, đây chính là lời của một Chí Phèo chân chính muốn nói, hắn đã tỉnh táo sau khi gặp thị Nở, con người chân chính của hắn đã quay về và hắn muốn trở lại làm người, làm một người bình thường như hắn từng mong ước.
- Tao không đến xin năm hào
- Tao đã bảo tao không đòi tiền
- Tao muốn làm người lương thiện
- Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách … biết không!... Chỉ còn một cách là … cái này! Biết không!...
→ Đây là nỗi lòng của Chí Phèo nên không phải là lời của một kẻ say.
"Tao muốn làm người lương thiện”. Đó là câu nói thành thực nhất, tiếng đầu tiên và cũng là lời cuối cùng trong cuộc đời đã bị tha hóa một cách khủng khiếp của Chí Phèo. Khi hắn say nhất cũng là lúc hắn tỉnh nhất, là lúc còn kịp nhận ra nghĩa lí của cuộc sống chính là ở hai chữ "lương thiện” kia, để rồi điều đó bỗng trở thành khát vọng của hắn sau bao ngày vật vã với rượu và những lời chửi bới "tao muốn”, lần đầu tiên cái mong muốn của Chí Phèo không phải là dăm đồng bạc lẻ của cụ Bá, không phải dăm cút rượu hay một ít đồ nhắm, những nhu cầu vật chất mà là một mong muốn có tính trừu tượng, sự lương thiện.
Câu 14 (trang 33, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Người kể chuyện có đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc ở làng Vũ Đại không?
Đọc đoạn cuối cùng
Người kể chuyện không đưa ra lời bình luận trực tiếp nào cho sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại mà tác giả thể hiện sự đánh giá của mình qua lời nói của người dân làng Vũ Đại, có người mừng thầm, có người mừng ra mặt, có người ngờ vực… họ đều cho rằng hai thằng đấy chết là xứng đáng bởi cả hai đều chẳng phải người tốt đẹp gì. Qua đó, người kể chuyện thể hiện góc nhìn đa chiều của mình, không nghiêng về bất cứ bên nào.
Người kể chuyện không đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại.
Câu 15 (trang 34, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Ý nghĩa của hình ảnh cái lò gạch cũ là gì?
Đọc đoạn còn lại và dựa vào suy luận.
– Về ý nghĩa tả thực chỉ là hình ảnh của chiếc lò nung gạch cũ, đã bị bỏ hoang, không còn giá trị sử dụng. Là nơi Chí Phèo bị vứt bỏ từ khi mới được sinh ra.
– Về ý nghĩa biểu tượng:
+ Hình ảnh “Cái lò gạch cũ” gợi ra vòng luẩn quẩn của cuộc đời Chí Phèo, bi kịch của những kiếp người bị áp bức, chà đạp đến khốn khổ và tước đi quyền được sống, cái gọi hạnh phúc.
+ “Bi kịch Chí Phèo” không chỉ là bi kịch của cá nhân riêng biệt mà là hiện trạng phổ biến quy luật trong xã hội xưa.
- Nghệ thuật: Việc hình ảnh được đặt ở đầu cuối tương ứng gợi ra kí ức liên tưởng sâu sắc về cuộc đời bi kịch của người nông dân trong xã hội xưa.
- Tả thực: Là hình ảnh của một chiếc lò nung gạch cũ, bị bỏ hoang vì không còn giá trị sử dụng. Là nơi Chí Phèo bị mẹ ruột vứt bỏ từ khi mới được sinh ra.
- Biểu tượng:
+ Gợi ra vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo, bi kịch của những kiếp người khốn khổ bị áp bức, chà đạp và tước đi quyền được sống, được hạnh phúc.
+ “Bi kịch Chí Phèo” không phải là bi kịch của một cá nhân riêng biệt mà là một hiện tượng phổ biến mang tính quy luật trong xã hội xưa.
Hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện ở đầu tác phẩm: “Một anh đi thả ống lươn nhặt được một đứa trẻ trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không…” và xuất hiện ở cuối tác phẩm: Thị Nở nhớ lại những lúc ăn nằm với Chí Phèo, Thị nhìn nhanh xuống bụng và “đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại…”.
→ Kết cấu đầu cuối tương ứng: mở đầu là sự xuất hiện của cái lò gạch, kết thúc cũng bằng hình ảnh cái lò gạch.
→ Hình ảnh ẩn dụ cho vòng luẩn quẩn của những kiếp người như Chí Phèo. Qua đó tác giả muốn khẳng định: Chí Phèo không phải là một hiện tượng cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến có tính quy luật trong xã hội bấy giờ.
Câu 1 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Tóm tắt cốt truyện Chí Phèo theo trình tự thời gian cuộc đời nhân vật. Hãy đánh giá hiệu quả của việc phá vỡ trình tự này trong mạch trần thuật của tác phẩm.
Đọc kỹ tác phẩm, xác định trình tự diễn ra của sự việc.
- Tóm tắt cốt truyện Chí Phèo: Chí Phèo là đứa trẻ bị bỏ rơi, được người dân làng Vũ Đại cưu mang, đến năm 18 tuổi, hắn đi làm thuê cho nhà bá Kiến. Vì vợ bá Kiến thường gọi Chí Phèo vào xoa bóp, bá Kiến ghen, đổ tội rồi bắt Chí Phèo đi tù. Bi kịch của Chí Phèo bắt đầu từ đây. Hắn ra tù, trở về làng với một con người hoàn toàn khác và trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Hắn đến nhà bá Kiến ăn vạ với kẻ đã cho hắn vào tù. Bá Kiến xoa dịu hắn và biến hắn trở thành tay sai cho mình. Chí Phèo gặp gỡ và yêu thị Nở, con đường hoàn lương của hắn mở ra. Nhưng rồi vì bà cô can ngăn, thị Nở đòi chia tay hắn, đồng nghĩa với việc dập tắt hy vọng trong Chí Phèo. Chẳng còn ai trên đời này quan tâm đến mình, hắn muốn đến tìm kẻ đầu sỏ của mọi chuyện là bá Kiến. Hắn giết bá Kiến và cũng tự kết liễu đời mình. Thị Nở thấy vậy liền nghĩ về cái lò gạch – nơi Chí Phèo được người ta tìm thấy mang về nuôi.
- Đánh giá hiệu quả của việc phá vỡ trình tự này trong mạch trần thuật của tác phẩm: việc phá vỡ trình tự này trong mạch trần thuật nhằm nhấn mạnh 2 diễn biến lớn trong cuộc đời của Chí Phèo đó là làm con quỷ làng Vũ Đại và quá trình hoàn lương muốn trở lại làm người bình thường của Chí Phèo. Từ đó, tác giả muốn khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh cảnh nào, con người vẫn luôn giữ được bản tính lương thiện vốn có và ông luôn đặt niềm tin vào nhân cách của con người.
Câu 2 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu theo các bình diện: điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, dân làng Vũ Đại); điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Nhận xét về tương quan và sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn này, qua đó, chỉ ra những nét đặc sắc trong cách Nam Cao mở đầu câu chuyện.
Chú ý vào lời văn của tác giả khi miêu tả diễn biến tâm lý của truyện.
* Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu theo các bình diện: điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, dân làng Vũ Đại); điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong:
- Điểm nhìn bên ngoài (điểm nhìn kể chuyện): được hiểu là lời kể của tác giả với vai trò là người chứng kiến, hiểu rõ toàn bộ câu chuyện dưới cái nhìn trực diện, khách quan, diễn tả sự việc diễn ra một cách chân thực, giúp người đọc hiểu được diễn biến của câu chuyện.
- Điểm nhìn bên trong (điểm nhìn của nhân vật): tác giả đóng vai thành các nhân vật trong truyện, đưa ra quan điểm, phán xét của mình về mỗi sự việc trong truyện qua những câu cảm thán, những lời bàn tán, bình phẩm. Từ đó làm nổi bật lên góc nhìn đa chiều, đa dạng bởi đan xen những cung bậc cảm xúc khác nhau của những người trong cuộc và giúp người đọc hiểu hơn về tuyến tính của mỗi nhân vật.
* Nhận xét về tương quan và sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn này
Tác giả sử dụng lối kể chuyện rất độc đáo bằng việc dịch chuyển linh hoạt giữa các điểm nhìn, từ người kể chuyện chuyển sang lời kể của nhân vật một cách độc đáo, tài tình. Với nhân vật Chí Phèo, mở đầu truyện ngắn là cái nhìn trần thuật của người kể chuyện. Sau đó, với hình thức lời nửa trực tiếp, điểm nhìn của chủ thể trần thuật lại hóa thân vào điểm nhìn của Chí Phèo: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi…” Trong phần đầu của “Chí Phèo” cũng xuất hiện dày đặc kiểu lời nói nửa trực tiếp như thế. Hình thức này cho phép chủ thể trần thuật di chuyển điểm nhìn rất linh hoạt, đồng thời với kiểu độc thoại nội tâm, chủ thể trần thuật có điều kiện soi chiếu vào những mảng tâm trạng sâu kín nhất của nhân vật. Để từ đó, giúp người đọc hiểu rõ hơn về từng nhân vật trong tác phẩm.
* Phân loại điểm nhìn:
- Điểm nhìn của người kể chuyện:
+ Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại
+ Không ai lên tiếng cả … không ai biết …
- Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra
- Điểm nhìn bên ngoài:
+ Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả
+ Đã thế, hắn … không ai ra điều
+ Phải đấy … không ai biết.
- Điểm nhìn bên trong:
+ Tức thật … Tức chết đi được mất
+ Mẹ kiếp … nông nỗi này.
* Nhận xét:
Điểm nhìn được nhà văn sử dụng linh hoạt, có sự luân chuyển. Các điểm nhìn này bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giúp cho người đọc có cái nhìn đa chiều về khung cảnh mở đầu và cảm xúc của Chí Phèo với tiếng chửi của hắn.
* Cách mở đầu truyện ngắn: Cách giới thiệu trực tiếp nhân vật và mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện → cách mở đầu thật độc đáo, ấn tượng, thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ những dòng đầu tiên.
Câu 3 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước. Theo bạn, nhân tố nào mang tính quyết định đối với quá trình hồi sinh nhân tính của nhân vật? Vì sao?
Đọc kỹ đoạn từ “Khi Chí Phèo mở mắt thì trời… Hắn thấy lòng rất vui”
- Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước
+ Hắn nghe thấy tiếng chim ríu rít bên ngoài
+ Hắn nhận ra cái lều ẩm thấp vẫn mới chỉ hơi lờ mở. Chưa bao giờ hắn nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.
+ Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài.
+ Nghĩ đến rượu hắn thấy hơi rùng mình
+ Hắn nghe thấy tiếng chim hót ngoài kia vui quá. Nghe thấy tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng gõ mái chèo… Chao ôi là buồn!
+ Hắn nghĩ về ao ước của mình trước kia, từng mong muốn có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…
+ Rồi hắn lại thấy mình già rồi mà vẫn cô độc, tự thấy buồn cho đời…
→ Từ một tên nát rượu, Chí Phèo dần tìm lại được chính mình trong ngọn lửa tình yêu nhen nhóm. Hắn nhận thấy cuộc sống xung quanh thật tươi đẹp, cái mà dường như rất lâu rồi hắn chưa hề được cảm nhận. Hắn nghĩ ngợi về cuộc đời, về tương lai rồi lại thấy buồn cho đời mình đã bỏ lỡ, phí hoài bao nhiêu thứ. Suy nghĩ này đã đánh dấu quá trình hoàn lương của Chí Phèo đang thực sự diễn ra, hắn thật sự đang quay trở lại làm người.
- Theo em, nhân tố mang tính quyết định đối với quá trình hồi sinh nhân tính của nhân vật chính là tình cảm của thị Nở dành cho hắn. Chính sự quan tâm của thị mà tiêu biểu là hình ảnh bát cháo hành giản dị đã thúc đẩy quá trình hồi sinh nhân tính bên trong con người Chí Phèo. Tình cảm con người đã cảm hóa một con người khác, sự quan tâm chưa từng được cảm nhận hóa ra lại hạnh phúc, tuyệt vời đến thế. Vì vậy, hắn càng cảm thấy trân trọng, thấy mình cần phải làm gì để đáp lại tình cảm đó bởi hắn muốn níu giữ tình cảm này và muốn nó phát triển nó, tạo dựng một hạnh phúc hoàn chỉnh.
* Diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước:
- Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”
+ Chợt nhận ra ở trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”
+ Bâng Khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài
+ Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”
+ Cảm thấy “sợ rượu” → đây là dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất
+ Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…
+ Hắn đủ tình để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc
→ Cuộc gặp với Thị Nở đã giúp Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên
- Là niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về làm người lương thiện của mình
+ Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng
+ Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt” → xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc
+ Thấy Thị Nở có duyên, cảm thấy vừa vui vừa buồn
+ Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con
+ Chí Phèo thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để trở về
+ Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”
→ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy
* Nhân tố mang tính quyết định đối với qua trình hồi sinh nhân tính của Chí Phèo là bát cháo hành. Vì: Bát cháo hành thể hiện tình yêu thương chân thành của Thị Nở dành cho Chí phèo. Nó là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện.
Câu 4 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phân tích phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống. Người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật không?
Đọc kỹ đoạn từ “Thị nghe thấy thế mà lộn ruột… đi chúng định làm.”
- Phản ứng tâm lý và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống
+ Hắn đang chìm đắm trong tình yêu, nghĩ về một tương lai tươi sáng cho cả hai và tự thấy vui trong mình.
+ Thị Nở đột nhiên đến, chửi vào mặt hắn, hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu ra. Hắn bỗng ngẩn người → cảm giác hụt hẫng khi bị từ chối
+ Thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành
+ Thị bỏ về, hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại. Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân.
→ Hắn muốn níu kéo, muốn giữ lại niềm hạnh phúc mới được nhen nhóm của mình.
+ Hắn nhặt một hòn đá, toan đập đầu. Hắn nghĩ: đập đầu ở đây chỉ thiệt; đập đầu ở đây, để mà nằm ăn vạ ai?...
+ Hắn muốn đến đâm chết con khọm già nhà nó… Muốn đập đầu, phải uống thật say, uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng càng uống càng tỉnh ra. Hắn vậy mà cứ thẳng lối đến nhà bá Kiến.
→ Dường như Chí Phèo đã tỉnh táo, hắn tự ý thức được bản thân muốn ăn vạ phải đến nhà chính chủ. Nhưng rồi dường như hắn hiểu được nguồn cơn, ai mới chính là nguyên nhân chính của chuyện này, phải, là bá Kiến – kẻ đã biến hắn từ một người lương thiện thành con quỷ của làng Vũ Đại. Với suy nghĩ ấy, hắn đã đến thẳng nhà bá Kiến để đòi lại công đạo cho chính bản thân mình.
- Người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật bởi theo mạch suy nghĩ của Chí Phèo, ta có thể hiểu hắn đã tỉnh táo và hiểu ra mọi chuyện. Hắn biết nguồn cơn của mọi chuyện đến từ ai và phải đi tìm kẻ đầu sỏ đó.
* Phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống:
- Tình yêu bị ngăn cấm bởi bà cô thị Nở, bởi vậy, khi Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn:
+ “Ngẩn người”, “ngẩng mặt”: Thái độ biểu thị sự hiểu ra, nhận thức được tình cảnh của mình → đáng thương
+ Thoáng thấy hương cháo hành: hồi tưởng về tình yêu đã trải qua
+ Hành động: Nắm lấy tay Thị → mong muốn níu kéo hạnh phúc
+ Hắn tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức”
→ Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng khi tình yêu của mình không trọn vẹn
- Cảm giác phẫn uất tuyệt vọng đến tột cùng
+ Mong muốn quay trở lại làm người lương thiện không thể thực hiện được, niềm phẫn uất trong Chí đẩy lên cao
+ Hắn quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.
+ Nhưng “hắn không rẽ vào nhà thị Nở mà thẳng đường đến nhà Bá Kiến” và nói thẳng với Bá Kiến: niềm phẫn uất đã khiến Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình
* Tác giả không đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc có thể hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật.
Câu 5 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Người kể chuyện bộc lộ thái độ như thế nào đối với Chí Phèo và thị Nở qua hệ thống điểm nhìn và lời kể.
Dựa vào lối hành văn của tác giả khi nói về thị Nở và Chí Phèo.
Người kể không hề bộc lộ thái độ khinh miệt hay kì thị đối với Chí Phèo và thị Nở dù cả hai đều không phải là người hoàn hảo. Người kể chuyện đã đặt mình và vị trí của nhân vật, nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ. Chí Phèo thì muốn quay lại làm người lương thiện, muốn có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Thị Nở thì khát khao hạnh phúc dù xấu xí và đã quá tuổi lấy chồng. Tất cả đều thể hiện sự tôn trọng đối với mỗi nhân vật qua lăng kính khách quan, những đánh giá chân thực của tác giả để từ đó lột tả được hết những tính cách tốt đẹp của hai nhân vật này.
Thái độ của người kể chuyện với nhân vật:
- Bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với số phận bị đày đọa, lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người của người lao động lương thiện.
- Cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho người lao động lương thiện.
- Thái độ lên án gay gắt những thế lực tàn bạo đã gây nên tấn bi kịch đau thương cho người lao động.
- Thái độ trân trọng, nâng niu những nét đẹp của người nông dân.
Câu 6 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Nhận xét về điểm nhìn và giọng điệu trần thuật ở đoạn kết của truyện ngắn khi Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến lần cuối và phản ứng của dân làng Vũ Đại về cái chết của hai nhân vật này. Theo bạn, cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa như thế nào?
Xem kỹ đoạn từ “Trời nắng lắm… và vắng người lại qua”
* Nhận xét về điểm nhìn và giọng điệu trần thuật ở đoạn kết
- Điểm nhìn: từ vai trò là một người kể chuyện, chứng kiến toàn bộ câu chuyện diễn ra, hiểu rõ diễn biến, tâm lý của mỗi nhân vật, tác giả chuyển mình thành giọng điệu của người dân làng Vũ Đại, bàn tán xôn xao về vụ việc vừa qua với những sắc thái, cung bậc cảm xúc khác nhau.
- Giọng điệu trần thuật gần gũi, dễ hiểu, thể hiện rõ sự thay đổi trong tâm sinh lý của Chí Phèo từ con quỷ làng Vũ Đại muốn trở lại làm người bình thường, kiếm tìm hạnh phúc.
* Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo
Cái chết của Chí Phèo là biểu hiện cao nhất, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của tính người với bản tính lương thiện. Đây là một hành động dứt khoát, quyết liệt chống lại cái cái tiêu cực để bảo vệ phần người vừa tìm lại được của hắn, chống lại sự ăn mòn về nhân cách. Cái chết đó là minh chứng cho khát khao quay về làm người lương thiện đang hiện diện bên trong con người của Chí Phèo.
- Điểm nhìn: Có sự thay đổi, đan xen giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của người dân làng Vũ Đại.
- Giọng điệu: tự nhiên, sinh động, sử dụng khẩu ngữ quần chúng một cách triệt để, mang hơi thở đời sống, giọng văn hoá đời sống. Ngôn ngữ kể chuyện vừa là ngôn ngữ của tác giả, vừa là ngôn ngữ của nhân vật, nhiều giọng điệu đan xen, tạo nên một thứ ngôn ngữ đa thanh đặc sắc.
- Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo:
+ Đó là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống vùng lên, tuy manh động, tự phát, liều lĩnh, tuyệt vọng nhưng không phải là hành động lưu manh.
+ Cái chết của Chí đáng thương, là lời tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa, đẩy họ tới cái chết bi thảm. Xã hội ấy không có chỗ cho người lầm lạc trở về cuộc sống lương thiện.
+ Thể hiện quan niệm hiện thực nhạy bén của Nam Cao: tình trạng xung đột giai cấp ở nông thôn Việt Nam hết sức gay gắt, quyết liệt, không thể xoa dịu được, chỉ có thể được giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt.
Câu 7 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
So sánh và nhận xét về đoạn kết của hai truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân).
Dựa vào đoạn kết của hai truyện.
* So sánh
- Giống nhau: đều là những cái kết mở, để lại cho người đọc những suy nghĩ sâu xa về diễn biến câu chuyện tiếp theo.
- Khác nhau:
+ Trong đoạn kết của Vợ nhặt, tác giả gợi ra cho người đọc về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn với sự xuất hiện của cách mạng qua hình ảnh lá cờ đỏ. Để lại ấn tượng mạnh trong người đọc về một cái kết có hậu, con người sẽ sớm thoát khỏi nạn đói, gia đình của Tràng sẽ có cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn
+ Trong đoạn kết của Chí Phèo, tác giả để lại ấn tượng cho người đọc về một tương lai mờ mịt, đen tối qua hình ảnh lò gạch cũ – nơi Chí Phèo bị bỏ rơi. Phải chăng tác giả muốn truyền tải thông điệp rằng còn những người như bá Kiến, như Đội Tảo sẽ còn những người bất hạnh, khổ đau như Chí Phèo. Đây có thể coi là một cái kết buồn.
* Nhận xét
Dù kết của hai truyện là không giống nhau nhưng nó đều truyền tải đến một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một bên là niềm tin mãnh liệt của con người vào tương lai, vào cuộc sống hạnh phúc, một bên dù cuộc sống còn nhiều bất công nhưng con người vẫn sẽ mang trong mình bản tính lương thiện, đến thời điểm nhất định nó vẫn sẽ được biểu hiện dù hoàn cảnh có đày đọa họ như thế nào. Qua đó ta có thể thấy, cả hai tác giả đều có niềm tin mãnh liệt vào con người, vào ý chí của họ sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn.
* Đoạn kết truyện Vợ nhặt: Trong bữa cơm ngày đói, người vợ nhặt kể về việc phá kho thóc Nhật của người dân miền ngược. Hiện lên trong tâm trí anh Tràng là hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ.
* Đoạn kết truyện Chí Phèo: Cái chết của Chí Phèo, Bá Kiến và hình ảnh cái lò gạch cũ hiện lên trong tâm trí của thị Nở với suy nghĩ “Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi thì làm thế nào”?
* So sánh:
- Giống nhau:
+ Đều mở ra một cuộc đời mới
+ Đều thể hiện được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.
- Khác nhau:
+ Truyện ngắn Vợ nhặt: Hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ gợi mở về một tương lai tươi sáng cho tất cả các nhân vật. Đánh thức một điều gì đó thật mới mẻ bên trong Tràng. Anh đã bắt đầu bước gần hơn với con đường cách mạng, bắt đầu có những nhận thức về hành động của bản thân.
→ Chỉ có đi theo cách mạng, đứng lên đấu tranh chống lại cái bạo tàn, áp bức mới có thể bảo vệ được hạnh phúc và sự bình yên của những người thân yêu.
Truyện ngắn Chí Phèo: Mở ra bi kịch mới: Nếu Thị Nở có con với Chí Phèo, số phận của đứa trẻ sẽ lặp lại những đau khổ, bất hạnh của bố mẹ. Gợi liên tưởng về cái vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo: Chí Phèo chết đi nhưng bi kịch Chí Phèo vẫn còn đó, áp bức, bạo tàn vẫn còn thì vẫn còn những cảnh đời khốn cùng như Chí.
- Tương đồng: Hai kết thúc truyện cùng phản ánh hiện thực tăm tối của con người trước Cách mạng tháng Tám; cùng góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn; cùng là những kết thúc có tính mở, giàu sức gợi.
- Khác biệt: Kết thúc truyện Chí Phèo phản ánh hiện thực luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân lao động, được thể hiện qua kết cấu đầu cuối tương ứng hàm ý tương lai sẽ chỉ là sự lặp lại của hiện tại; kết thúc truyện Vợ nhặt phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, được thể hiện qua kết cấu đối lập hàm ý tương lai sẽ mở lối cho hiện tại.
Câu 8 (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hệ thống hoá những nét đáng chú ý trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao ở truyện ngắn này trên các phương diện: người kể chuyện, điểm nhìn và lời trần thuật.
Xem lại văn bản. Chú ý vào những chi tiết thể hiện rõ điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện.
Những nét đáng chú ý trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao:
- Người kể chuyện đem đến lối tư duy độc đáo về không gian, thời gian. Không cố định theo bất kì trình tự nào, ông kể từ hiện tại đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả đều được diễn ra một cách khéo léo không chỉ làm nổi bật lên hoàn cảnh bất hạnh của Chí Phèo, mà nó còn làm nổi bật quá trình tìm lại chính mình, tìm lại sự lương thiện vốn có trong Chí Phèo.
- Điểm nhìn nghệ thuật linh hoạt. Từ người dẫn chuyện đến lời nói của nhân vật, của người dân làng Vũ Đại đều được tác giả thể hiện một cách tài tình qua câu từ sắc bén. Qua đó thể hiện cái nhìn đa dạng, đa chiều của tác giả về một sự việc, khiến người đọc hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm của các nhân vật trong câu chuyện.
- Cấu trúc câu trần thuật mới mẻ, hấp dẫn nhằm truyền tải một cách hiệu quả nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm: khẳng định con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà văn cũng tin tưởng vào bản tính lương thiện của con người dù cho họ có lầm đường lạc lối, họ vẫn sẽ đấu tranh đòi quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.
- Người kể chuyện: Người kể chuyện ở ngôi thứ ba – người kể chuyện toàn tri, thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật.
- Điểm nhìn: Điểm nhìn có sự thay đổi linh hoạt, luân phiên. điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật; điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong.
- Lời trần thuật: kể truyện linh hoạt tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, đảo lộn trình tự thời gian, mạch tự sự có những đoạn hồi tưởng, liên tưởng tạt ngang, tưởng như lỏng lẻo mà thực sự rất tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.
Câu hỏi (trang 35, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về chi tiết bát cháo hành của thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo.
Vận dụng hiểu biết và bài và kĩ năng đã học.
Hình ảnh bát cháo hành là một trong những chi tiết đắt giá nhất của tác phẩm Chí Phèo. Nó không chỉ là biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc của thị Nở dành cho Chí Phèo mà nó còn ẩn chứa tình yêu thương của thị dành cho hắn. Đó là hương vị của tình yêu, hạnh phúc muộn màng mà Chí Phèo hằng mơ ước mãi cho đến giờ mới được cảm nhận. Đồng thời, nó cũng khơi dậy niềm khao khát được quay trở lại cuộc sống bình thường, trở thành một người lương thiện. Không dừng lại ở đó, hình ảnh bát cháo hành góp phần khắc họa thành công tính cách của nhân vật, làm nổi bật nên tấn bi kịch của nhân vật Chí Phèo – người luôn cô độc, thiếu thốn tình yêu thương. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm niềm tin vào sức mạnh tình cảm con người có thể cảm hóa, soi đường cho người lầm đường lạc lối tìm được ánh sáng.
Bát cháo hành là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Chí Phèo góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm. Bát cháo ấy không những giúp Chí thoát khỏi trận ốm “thừa sống thiếu chết” mà hơn hết, nó là liều thuốc khai sáng cho quãng đời tội lỗi của Chí Phèo. Có thể nói, bát cháo hành ấy giống như một liều thuốc thần kỳ giải rượu cho Chí sau một cơn say dài dằng dặc. Cả một cuộc đời hơn bốn mươi năm, lần đầu tiên Chí được ăn cháo hành, lần đầu tiên được người khác cho một thứ. Chí sung sướng hạnh phúc khi cảm nhận được vị ngọt của tình yêu qua bát cháo hành của Thị. Vì vậy, bát cháo hành của Thị chất chứa tình yêu thương chân thành đã biến Chí từ một thằng lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ thành một anh nông dân lương thiện với biết bao cảm xúc, nghĩ suy của một con người khát khao được trở về với xã hội loài người. Bát cháo đầy tình yêu thương của Thị đã giúp Chí rũ bỏ lốt quỷ để trở lại làm người.
>> Xem chi tiết: Văn bản Chí Phèo (phần tác phẩm)
Học Văn cần sách giáo khoa, vở bài tập, bút mực, bút chì, sách tham khảo về các tác phẩm văn học và từ điển.
- Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn cho tất cả học sinh phổ thông trên mọi miền của đất nước, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực cần có đối với người công dân Việt Nam trong thế kỉ XXI. Với thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”, bộ SGK này được biên soạn theo mô hình hiện đại, chú trọng vai trò của kiến thức, nhưng kiến thức cần được “kết nối với cuộc sống”, bảo đảm: 1) phù hợp với người học; 2) cập nhật những thành tựu khoa học hiện đại, phù hợp nền tảng văn hóa và thực tiễn Việt Nam; 3) giúp người học vận dụng để giải quyết những vấn đề của đời sống: đời sống cá nhân và xã hội, đời sống tinh thần (đạo đức, giá trị nhân văn) và vật chất (kĩ năng, nghề nghiệp).
Ngữ văn là môn học khai phá vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn học, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và tâm hồn con người qua từng tác phẩm văn chương và các hiện tượng ngôn ngữ học.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 11 - Năm học quan trọng, bắt đầu hướng đến những mục tiêu sau này. Hãy học tập chăm chỉ và tìm ra đam mê của mình để có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai!'
- Học nhưng cũng chú ý sức khỏe nhé!. Chúc các bạn học tập tốt.
Nguồn : Sưu tậpCopyright © 2024 Giai BT SGK