Bài tập 8 trang 15 SBT Văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Con làm sao còn khóc nữa?...

Hướng dẫn giải Câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, giải Bài tập 8 trang 15 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống - Đọc hiểu và thực hành tiếng Việt - Bài 7. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi... Con làm sao còn khóc nữa?

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tự nhiên ở trên không, có một đàn chim sẻ đáp xuống sân nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nẻo. Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt. Nhưng khi chim sẻ đã bay đi rồi, Tấm lại nức nở khóc. Bụt lại hỏi:

- Con làm sao còn khóc nữa?

- Con rách rưới quá, người ta không cho con vào xem hội.

- Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ mọi thứ cho con trẩy hội.

Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất, lấy ra được một bộ áo mớ ba, một cái xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai, lấy ra được một đôi giày thêu, đi vừa như in. Lọ thứ ba đào lên thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất, bỗng chốc nó đã hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn. Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thay bộ vào, đoạn cưỡi lên ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một chỗ lội, Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống nước không kịp nhặt. Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy khăn gói chiếc giày còn lại rồi chen vào biển người.

(Nguyễn Đồng Chi, Tấm Cám, trích Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 1170)

Câu hỏi:

Câu 1

Đoạn trích trên thuộc phần mở đầu, phần giữa hay phần kết của truyện Tấm Cám? Do đâu mà em biết điều đó?

Hướng dẫn giải :

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết :

Đoạn trích không thể là phần đầu của truyện cổ tích, vì không có lời giới thiệu về thời gian, giới thiệu về nhân vật. Đoạn trích cũng không thể là phần cuối, vì chưa biết số phận của nhân vật như thế nào. Vậy, chắc chắn đoạn trích thuộc phần giữa của truyện.


Câu hỏi:

Câu 2

Chỉ ra những chi tiết kì ảo trong đoạn trích.

Hướng dẫn giải :

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết :

Trong đoạn trích, có một số chi tiết kì ảo:

- Sự xuất hiện của ông Bụt.

- Đàn chim sẻ biết giúp Tấm nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nơi.

- Đào những chiếc lọ chôn xương bống lên, Tấm có váy áo đẹp, đôi giày thêu, con ngựa và bộ yên cương.


Câu hỏi:

Câu 3

Người kể chuyện trong đoạn trích trên đây của truyện Tấm Cám và người kể chuyện trong truyện Thạch Sanh có phải cùng một kiểu không?

Hướng dẫn giải :

Đọc kĩ đoạn trích trên và truyện Thạch Sanh

Lời giải chi tiết :

Người kể chuyện trong đoạn trích của truyện Tấm Cám và người kể chuyện trong truyện Thạch Sanh thuộc cùng một kiểu. Đó đều là người kể chuyện ngôi thứ ba, rất phổ biến ở truyện cổ tích.


Câu hỏi:

Câu 4

Khi tóm tắt đoạn trích trên, không thể bỏ qua những chi tiết nào?

Hướng dẫn giải :

Đọc kĩ đoạn trích và đưa ra các sự kiện chính

Lời giải chi tiết :

Những chi tiết không thể bỏ qua khi tóm tắt đoạn trích:

- Đàn chim sẻ nhặt thóc giúp Tấm.

- Không có quần áo đẹp để đi dự hội, Tấm khóc.

- Ông Bụt bảo Tấm cách để có tất cả mọi thứ đi trẩy hội.

- Một chiếc giày của Tấm bị rơi xuống nước.


Câu hỏi:

Câu 5

Theo suy luận của em, chi tiết nào trong đoạn trích có vai trò quan trọng trong diễn biến tiếp theo của câu chuyện?

Hướng dẫn giải :

Đọc kĩ đoạn trích và nêu suy luận của bản thân

Lời giải chi tiết :

Đọc đoạn trích, có thể đoán chỉ tiết một chiếc giày của Tấm bị rơi sẽ có vai trò quan trọng trong phần tiếp theo của câu chuyện.


Câu hỏi:

Câu 6

Nếu chọn một trong hai nhân vật Tấm hoặc Bụt kể lại phần chuyện trong đoạn trích trên, em sẽ chọn nhân vật nào? Vì sao?

Hướng dẫn giải :

Liên hệ bản thân

Lời giải chi tiết :

Trong đoạn trích, ông Bụt chỉ xuất hiện khi Tấm cần giúp đỡ, còn Tấm mới là người trong cuộc, biết hết mọi việc xảy ra với mình. Cho nên chọn nhân vật Tấm làm người kể chuyện thì hợp lí hơn.


Câu hỏi:

Câu 7

Từ suy suyểnsuy giảm trong hai câu sau có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt.

- Từ sau trận ốm, sức khoẻ của bà suy giảm rất rõ.

Hướng dẫn giải :

Giải thích nghĩa của hai từ và trả lời

Lời giải chi tiết :

Từ suy suyểnsuy giảm ở hai câu trong bài tập này không thay thế cho nhau được, vì nghĩa của chúng không hoàn toàn giống nhau.

Trong tiếng Việt, khi nói về cái gì đó được giữ nguyên vẹn như ban đầu thì người ta dùng cụm từ không suy suyển. Ví dụ: Gió mạnh, nhưng cây cối trong vườn vẫn không suy suyển.

Khi nói về một cái gì đó bị vơi bớt đi, người ta dùng từ suy giảm. Ví dụ: Sau trận ốm, sức khoẻ của ông ấy suy giảm rất nhiều.


Câu hỏi:

Câu 8

Trong câu “Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ mọi thứ cho con trẩy hội.", cụm từ trẩy hội có nghĩa như thế nào? Có giống với nghĩa của những cụm từ dự hội, xem hội hay không?

Hướng dẫn giải :

Vận dụng kiến thức về từ đồng nghĩa

Lời giải chi tiết :

Trong câu văn đã cho, trẩy hội có nghĩa là đi dự hội hằng năm, thường đi với đông người. Dự hộixem hội không có những nét nghĩa đó.

Dụng cụ học tập

Học Văn cần sách giáo khoa, vở bài tập, bút mực, bút chì, sách tham khảo về các tác phẩm văn học và từ điển.

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Sách Giáo Khoa: Kết nối tri thức với cuộc sống

- Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn cho tất cả học sinh phổ thông trên mọi miền của đất nước, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực cần có đối với người công dân Việt Nam trong thế kỉ XXI. Với thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”, bộ SGK này được biên soạn theo mô hình hiện đại, chú trọng vai trò của kiến thức, nhưng kiến thức cần được “kết nối với cuộc sống”, bảo đảm: 1) phù hợp với người học; 2) cập nhật những thành tựu khoa học hiện đại, phù hợp nền tảng văn hóa và thực tiễn Việt Nam; 3) giúp người học vận dụng để giải quyết những vấn đề của đời sống: đời sống cá nhân và xã hội, đời sống tinh thần (đạo đức, giá trị nhân văn) và vật chất (kĩ năng, nghề nghiệp).

Đọc sách

Bạn có biết?

Ngữ văn là môn học khai phá vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn học, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và tâm hồn con người qua từng tác phẩm văn chương và các hiện tượng ngôn ngữ học.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự Lớp 6

Lớp 6 - Năm đầu tiên của cấp trung học cơ sở, mọi thứ đều mới mẻ và đầy thách thức. Hãy tự tin làm quen với bạn bè mới và đón nhận những cơ hội học tập thú vị!

- Học nhưng cũng chú ý sức khỏe nhé!. Chúc các bạn học tập tốt.

Nguồn : Sưu tập

Copyright © 2024 Giai BT SGK