Trang chủ Ngữ văn Lớp 12 Cảm nhận về hình tượng người lính trong đoạn thơ. Từ đó, bình luận ngắn gọn về nét độc đáo...
Câu hỏi :

Cảm nhận về hình tượng người lính trong đoạn thơ. Từ đó, bình luận ngắn gọn về nét độc đáo của hình tượng này:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Lời giải 1 :

     Trong tác phẩm " Đất nước " của mình nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng bộc bạch rằng : " Ôm đất nước những con người áo vải / Đã đứng lên trở thành anh hùng " Và sự thật là như vậy, đất nước của chúng ta đã phải trải qua 4000 năm vất vả và gian lao Nhưng ngày hôm nay chúng ta như những vì sao cứ đi lên phía trước. Bởi chúng ta sở hữu thế hệ những con người hiên ngang, bất khuất. Cứ như thế họ tự nhiên đi vào những trang thơ áng sử. Trong đó có bài thơ " Tây tiến " của nhà thơ Xứ Đoài Quang Dũng. Bằng bút pháp lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh những con người trong tháng năm tháng kháng chiến chống Pháp Đặc biệt là hình tượng người lính hào hoa, hào hùng. 
    Bài thơ " Tây tiến " được viết cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh khi Quang Dũng đã chuyển sang đơn vị mới và nhớ về những người đồng đội cũ. Bài thơ lúc đầu có nhan đề " Nhớ Tây Tiến " . Sau đó được đổi lại là " Tây Tiến ".Bài thơ được cấu trúc theo diễn biến tự nhiên của nỗi nhớ. Nhớ về Tây Tiến, tác giả nhớ về thiên nhiên Tây Bắc với những vùng đất mà chính tác giả đã đi qua trên chặng đường hành quân gian khổ, nhớ về những kỉ niệm bên đồng đội. Và đoạn trích trên là hình tượng người lính Tây Tiến qua cái nhìn của Quang Dũng. Vừa hào hoa, hào hùng , bi tráng. 

       Mở đầu đoạn thơ là hình tượng người lính Tây tiến.Tác giả không hề né tránh hiện thực gian khổ, đầy vất vả, hy sinh mà nhìn nó bằng lăng kính khác lạ. 

     " Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

       Quân xanh màu lá dữ oai hùm "

Việc sử dụng nghệ thuật đảo cấu trúc kết hợp với việc sử dụng từ " đoàn binh "  thay vì dùng từ " " " " đoàn quân " đã gợi cho người đọc khí thế xung trận mạnh mẽ, như vũ bão của đoàn quân Tây Tiến. Hình ảnh " Không mọc tóc " và " xanh màu lá " làm cho chúng ta liên tưởng đến những cơn sốt rét rừng của những người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp

  " Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

    Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi ...."

                                      ( Chính Hữu - Đồng chí ) 

Tuy nhiên với bút pháp bi tráng của mình, chính sự tàn khốc, vất vả của người lính  đã góp phần làm nổi bật lên cái " tráng " cái " hùng " của họ.  Quang dũng dùng cụm từ " không mọc tóc " tạo cảm giác chủ động, tạo cho ta cảm giác rằng người lính của Quang dũng không cần tóc. Điều đó đã làm lên nét ngang tàng, khí thế kiêu hùng của người lính Tây Tiến. Hình ảnh " xanh màu lá " là màu của áo lính, màu của lá rừng ngụy trang. Hình ảnh này làm cho người đọc cảm tưởng như rằng người lính đã hòa mình vào với những cánh rừng Tây Bắc. Hình ảnh thơ mạnh mẽ " dữ oai hùm " đó chính là khí phách, cái " hùng " của hình tượng người lính Tây Tiến.

   Giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt như  vậy lại xuất hiện một hình ảnh lãng mạn

   "  Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 

      Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm "

Hai chữ " Mắt trừng " thể hiện đó là đôi mắt mở to, dữ dội, ngùn ngụt ý chí chiến đấu chống quân thù. Đôi mắt ấy đã thể hiện cái oai phong lẫm liệt, khí thế xung trận mạnh mẽ của người lính Tây Tiến. Cụm từ " Gửi mộng qua biên giới " thể hiện nỗi mộng mơ không xác thực về đối tượng và địa điểm gửi mộng. Đó có thể là hi vọng về hòa bình cho quê hương, đất nước cho người đồng chí nước bạn Lào. Câu thơ " Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm " đã thể hiện nỗi nhớ có hình hài của người lính Tây Tiến. Vì Tây Tiến phần lớn có xuất thân Hà nội, nên những người lính mơ về quê hương, nơi thành đô hoa lệ mà họ từ biệt ra đi để bảo vệ tổ quốc. Điều này khác so với những người lính trong tác phẩm " Đồng chí "  , những người lính xuất thân từ đồng ruộng

          " Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính "

Cụm từ " dáng kiều thơm " là cách nói mĩ lệ hóa của văn học cổ để nói về những thiếu nữ Hà thành xinh đẹp. Điều đó cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến: thanh lịch, hào hoa.

       Đi liền với cái mộng mơ lại là sự ra đi nhưng lại được nói bằng cảm hứng lãng mạn mang màu sắc bi tráng 

             " Rải rác biên cương mồ viễn xứ "

Động từ " Rải rác " kết hợp với từ " mồ viễn xứ " cho thấy đây không phải một cái chết mà nhiều cái chết.Việc sử dụng nhiều từ Hán Việt cổ đã tạo cho dòng thơ tính trang trọng thiêng liêng, làm giảm nhẹ cái bi thương của hình ảnh những nấm mồ người chiến sĩ nằm rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi, lạnh lẽo. Câu thơ tiếp theo đã thể hiện lí tưởng chiến đấu của các anh bộ đội cụ Hồ

       " Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh "

    Việc sử dụng từ phụ định " chẳng " chứ không dùng từ " không " - mang sắc thái trung tính kết hợp với phép hoán dụ " đời xanh " đã thể hiện thái độ kiên quyết hi sinh vì Tổ quốc, lí tưởng  quên mình cao đẹp làm vơi đi cái bi thương ở câu trên. Hai câu thơ tiếp theo thấm đẫm tinh thần bi tráng:

        " Áo bào thay chiếu anh về đất

          Sông Mã gầm lên khúc độc hành "

Câu thơ mang ý nghĩa hiện thực bi thảm, khốc liệt của chiến tranh " Áo bào thay chiếu anh về đất " những người lính Tây tiến hi sinh vì nhiệm vụ không có đến manh chiếu để che thân, phải mai táng bằng chính chiếc áo anh mặc hằng ngày. Hình ảnh " áo bào " thứ áo mặc ở tướng lĩnh thời xưa đã tạo sắc thái trang trọng, thiêng liêng thể hiện tình cảm yêu thương những người đồng đội đã ngã xuống của Quang dũng. Cách nói giảm nói tránh cái chết " anh về đất " đã làm vơi đi cảm giác đau thương và cũng ẩn chứa rằng: chết là hóa thân với đất mẹ, là hóa thân với non sông đất nước. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết:

        " Ôi đất nước ta sau 4 nghìn năm đi đâu ta chẳng thấy

          Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...."

Bằng biện pháp tư từ nhân hóa kết hợp với động từ mạnh " gầm " tạo cảm giác thiên nhiên như đang dữ dội, hào hùng. Âm thanh này đã lấn át đi cảm giác bi thương: gợi về sự ra đi của những anh hùng nghĩa sĩ ngày xưa. Khúc nhạc đưa tiễn người ra đi là khúc nhạc bi tráng cùa núi sông. Điều đó làm cho cái chết của người lính Tây tiến thấm đẫm tinh thần bi tráng. 

      Với giọng thơ trang trọng, sử dụng hình ảnh cổ kính, cùng với vốn ngôn ngũ tài hoa, sử dụng một cách thành công từ Hán - Việt kết hợp với từ thuần Việt đã thể hiện tình cảm tiếc thương và sự trân trọng trước sự hi sinh của đồng đội. Hai cảm hứng lãng mãn và bi tráng đan cài nhau đã góp phần tạo nên hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ.

     Như nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp đã từng nhận xét : " Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, "Tây Tiến" cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó " Và sự thật là như vậy, Tây Tiến là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mãn thể hiện hình ảnh của những người lính Tây Tiến. Vừa thanh lịch hào hoa,vừa oai hùm kiên cường trong nghịch cảnh. Qua đó đã thể hiện được tài năng của nhà thơ Xứ đoài Quang dũng đồng thời chúng ta càng thêm trân trọng tinh thần vì nước quên thân của những chàng trai Hà thành trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Từ đó, mỗi chúng ta càng thêm ý thức về trách nhiệm của bản thântrong thời bình ngày nay.

Bạn có biết?

Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!

Nguồn :

TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự lớp 12

Lớp 12 - Năm cuối ở cấp trung học phổ thông, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh, trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kỳ vọng của người thân xung quanh. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng nề. Hãy tin vào bản thân, mình sẽ làm được và tương lai mới đang chờ đợi chúng ta!

Nguồn :

sưu tập

Copyright © 2024 Giai BT SGK