Trang chủ Ngữ văn Lớp 8 Viết bài văn phân tích bài thơ " Hồi hương ngẫu thư " (Ngẫu nhiên viết nhân lúc về quê)...
Câu hỏi :

Viết bài văn phân tích bài thơ " Hồi hương ngẫu thư " (Ngẫu nhiên viết nhân lúc về quê) của Hạ Tri Chương Lưu ý: Ko chép mạng ạ

Lời giải 1 :

Từ xưa đến nay, tình yêu quê hương đất nước luôn là nguồn cảm hứng dồi dào của thi sĩ trong và ngoài nước. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm trân quý ấy vào thơ ca, nếu Lý Bạch đem lòng da diết với ánh trăng xưa trong “Tĩnh dạ tứ”, thì Hạ Tri Chương – một nhà thơ cũng rất nổi tiếng ở đời Đường – chọn cách gửi gắm lời tâm sự, tiếng lòng man mác buồn của một người con xa xứ trở về thăm quê, khi cảnh vật vẫn còn đấy nhưng người quen thì chẳng còn. Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Hạ Tri Chương, thể hiện tấm lòng son sắc thuỷ chung với quê hương non nước, để lại nhiều suy nghĩ, ấn tượng trong lòng người đọc.

Là một nhà văn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, sớm xa quê hương từ khi còn rất nhỏ, cuộc đời bôn ba, làm nhiều chức quan to trong triều đình, đến cuối đời lại gặp khó khăn, về quê an hưởng tuổi già. Trong chính tình huống trở về nơi chôn rau cắt rốn sau năm mươi năm xa cách ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để tác giả viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” – “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đã thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu nặng và cả sự buồn bã, tâm trạng đau thương, đau đớn, xót xa vì lại trở thành người lạ ngay trên mảnh đất mình sinh thành của một người con xa xứ.

Hai câu thơ đầu bài thơ đã tái hiện câu chuyện hồi hương sau năm mươi năm xa cách của nhà thơ:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

(Khi đi trẻ, lúc về già)

Câu thơ cho người đọc đồng cảm với hoàn cảnh về thăm quê éo le của tác giả. Có lẽ nỗi buồn phải đi xa quê hương là thứ day dứt, triền miên đối với nhiều người. Hạ Tri Chương cũng như thế, ông phải rời xa mảnh đất quen thuộc của mình khi tuổi đời còn rất trẻ. Trải qua mấy chục năm nơi đất khách quê người, nay được trở về chốn cũ, thì cũng là lúc mái tóc đã chuyển màu. Chỉ với hai cặp từ đối lập “đi-về” và “trẻ-già”, ta có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời gian, nó có thể làm thay đổi mọi thứ. Khi còn tuổi trẻ, còn sức khoẻ thì ông phải rời xa quê hương để đi tìm công danh sự nghiệp, và khi trở lại chốn quen cũ thì tuổi cũng đã già. Câu thơ này còn ẩn chứa một nỗi buồn man mác vì cả một đời người, đến lúc tuổi đã già, đến lúc gần đất xa trời thì tác giả mới được trở về với quê hương ruột thịt sau ngần ấy năm xa cách muôn trùng. Tuy không có lời nào thể hiện hàm ý buồn thương, nhưng cách viết nhấn mạnh sự đối lập khoảng thời gian cho người đọc thấy được nỗi tự trách, bận rộn một đời cho đến tận khi tóc bạc mới ngậm ngùi trở về.

Tuy xa cách là thế, nhưng Hạ Tri Chương vẫn luôn mang bên mình cái hồn của quê hương, người đọc hiểu tình yêu quê hương không đổi trong lòng tác giả

“Hương âm vô cải, mấn tao tồi”

(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Câu thơ này ông tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: hương âm – mấm mao, vô cải – tồi. Bao trùm lên toàn bộ câu thơ là sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay. Câu thơ thứ hai tựa như một lời khẳng định chắc nịch của tác giả. Cho dù trải qua nhiều năm bôn ba, ngoại hình thay đổi, mái tóc bạc phơ nhưng cái riêng, cái tinh tuý đặc trưng của mỗi vùng quê là giọng nói vẫn sẽ không thay đổi. Điều đó chứng tỏ ông luôn ý thức được tầm quan trọng của “giọng quê”- một vẻ đẹp mang giá trị tinh thần sâu sắc. Tác giả đã lấy cái thay đổi để làm nổi bật lên cái không thay đổi, từ đó khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt, bền chặt cuả mình với quê hương. Qua đó ta có thể cảm nhận được tình yêu quê hương, ý niệm hướng về quê hương luôn chất chứa trong lòng tác giả, mặc dù tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng vẫn luôn nhớ đến và tìm về cội nguồn.

Ở hai câu thơ sau, độc giả xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi trước sự thay đổi quê hương và đồng cảm với tác giả

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

                                               Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai”

(Trẻ con nhìn lạ không chào

Hỏi rắng: Khách ở nơi nào tới chơi)

Sự bàng hoàng pha lẫn chút nuối tiếc, nghẹn ngào của thi sĩ được thể hiện một cách tinh tế trong hai câu thơ cuối bài. Sau nhiều năm xa xứ, ngày trở lại quê hương, tác giả lại trở thành thích khách trên chính quê hương của mình. Câu hỏi của đám trẻ thơ – lớp thế hệ mới ở nơi sinh ra tác giả - vô tình đã chà xát thêm vào vết thương lòng của nhà thơ. Dẫu biết đây là một điều hiển nhiên theo quy luật tự nhiên của thời gian, nhưng nó cũng trở thành một nghịch cảnh khi bạn bè đồng chang lứa giờ đây mỗi người đã có một hướng đi riêng, và dường như quê hương không còn là của mình nữa. Dẫu quê hương, con người có thay đổi ra sao thì nỗi niềm mong nhớ về cội nguồn luôn khắc khoải trong lòng Hạ Tri Chương. Ta có thể nhận thấy tác giả có một mong muốn, khao khát mãnh liệt được níu kéo thời gian, để được cảm nhận một cách trọn vẹn nhất những vẻ đẹp, những tình cảm mà ông đã bỏ lỡ trong suốt nửa thế kỉ đi tìm công danh và sự nghiệp.

Tình cảm của Hạ Tri Chương trong bài thơ khiến độc giả liên tưởng tới tình cảm yêu tha thiết quê hương của Tố Hữu trong Nước non ngàn dặm:

Nửa đời, tóc ngả màu sương

Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê

....

“Người đi, tóc hãy còn xanh,

Mai về, dù bạc tóc anh cũng về”

Từ đó, ta nhận ra rằng tình cảm yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm vô cùng trân quý và khó có gì thay đổi được. Cùng với sự phát triển ngày càng hiện đại của cuộc sống, con người ta có cơ hội được đặt chân đến rất nhiều nơi hiện đại, mới mẻ, nhưng có lẽ hai chữ “quê hương” – cội nguồn của mỗi người vẫn sẽ mãi là nơi đẹp nhất và chứa đựng nhiều kỉ niệm đáng quý nhất của một đời người.

Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm. Ta có thể thấy sự chuyển đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau khá rõ nét. Nếu như hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn. Dấu ấn thời gian in đậm nét trong các câu thơ, mọi thứ đều thay đổi duy chỉ có giọng quê là vẫn giữa nguyên. Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương. Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương. Với lớp ngôn từ, giọng điệu vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng.

Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm đặc sắc của đề tài quê hương non nước. Bằng lối dụng từ tinh tế, câu văn hàm súc, Hạ Tri Chương đã đem người đọc đến với nhiều cung bậc cảm xúc, từ tâm trạng vui vẻ, hào hứng khi được đặt chân về chốn cũ, cho đến cảm xúc tiếc nuối, bồi hồi khi nhận ra nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Nhưng dù mọi thứ có đổi thay ra sao, thì tình cảm của tác giả dành cho nơi đã sinh ra mình vẫn sẽ không thay đổi, vì quê hương của mỗi người là duy nhất:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

Bạn có biết?

Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!

Nguồn :

TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự lớp 8

Lớp 8 - Năm thứ ba ở cấp trung học cơ sở, học tập bắt đầu nặng dần và sang năm lại là năm cuối cấp, áp lực lớn dần. Hãy chú ý đến sức khỏe, cân bằng giữa học và nghỉ ngơi để đạt hiệu quả tốt nhất!

Nguồn :

sưu tập

Copyright © 2024 Giai BT SGK